Mua kháng sinh ở Việt Nam dễ như mua kẹo

Gửi lúc 09:00' 17/11/2015

Ra bất kỳ hiệu thuốc nào, người dân đều có thể dễ dàng mua được thuốc kháng sinh mà không cần đơn bác sĩ. Tình hình kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm. Tỷ lệ này của vi khuẩn E.coli tại nước ta lên đến 9%, cao thứ hai trong số 26 nước có báo cáo.

Theo phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người Việt có văn hóa chữa bệnh rất tai hại: ốm đau không đi khám bệnh mà ra hiệu thuốc tự mua thuốc theo tư vấn của dược sĩ hoặc tư vấn của bạn bè, người thân.  Do đó dẫn tới tình trạng chữa bệnh bằng kháng sinh ngay tại nhà, hệ quả là lạm dụng kháng sinh. Khi khách đến mua thuốc kể bệnh, dược sĩ đều bán kèm kháng sinh. Chính vì thế lạm dụng kháng sinh diễn ra mọi cấp độ: người bệnh, người bán thuốc và cả người kê đơn.

"Chưa có nước nào mà kháng sinh lại mua dễ như ở Việt Nam. Bộ Y tế đã có quy định yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán kháng sinh khi có đơn của bác sĩ, tuy nhiên nhiều nơi không thực hiện trong khi chế tài xử phạt thấp", ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nhấn mạnh tại buổi họp báo về tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc diễn ra tại Hà Nội ngày 16/11.

 

Con đường dẫn đến kháng thuốc kháng sinh, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kháng thuốc như sử dụng kháng sinh không thích hợp trong điều trị và chăn nuôi, bác sĩ lạm dụng kháng sinh, người dân tự ý mua, dược sĩ bán thuốc không cần đơn. Vấn đề chủ yếu là nhận thức của người dân và cán bộ y tế còn hạn chế.

Kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy tiền thuốc chiếm trung bình 48% chi phí điều trị. Trong tiền thuốc, kháng sinh khoảng 17%. Tỷ lệ thuốc kháng sinh được sử dụng là 33%. Thuốc kháng sinh âm thầm đi vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn.

Tiến sĩ Socorro Escalante, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam báo động ngay cả vi khuẩn gây bệnh thông thường như E.coli (gây bệnh tiêu chảy) cũng bước đầu có cơ chế phát triển phức tạp, kháng kháng sinh. Chúng không chỉ lây lan trong bệnh viện mà còn từ thực thể này sang thực thể khác.

 

Mục tiêu của Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc

là nhận được một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh hợp lý. Ảnh: WHO.


Báo cáo của tổ chức này về tình hình giám sát kháng thuốc năm 2014 cho thấy xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc. Trong đó với khuẩn E.coli, các kháng sinh thế hệ 3 đang được bán trên thị trường đã có dấu hiệu không hiệu quả; tương tự với một số loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn hô hấp. Penicillin là loại kháng sinh rẻ tiền, sẵn có đề điều trị bệnh hô hấp nay đã mất tác dụng.

Để thay đổi thực trạng này, theo các chuyên gia dân hãy là người tiêu dùng thông minh, chỉ nên mua kháng sinh theo đơn của bác sĩ và sử dụng đúng theo hướng dẫn. Các y bác sĩ tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết. Việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi cũng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Vnexpress