Trẻ em thể trạng tỳ hư - thấp trệ, dùng lục quân tử thang

Gửi lúc 14:48' 18/06/2024

Gần đây thời tiết thay đổi thất thường, trời chuyển mưa nồm ẩm nhiều, đặc biệt ở các tỉnh Bắc bộ. Mưa nồm theo quan điểm của Đông y là thời tiết đặc trưng của “thấp”. Yếu tố thấp không chỉ khiến cho người lớn cảm thấy phiền toái, thiếu tinh thần, mà ngay cả trẻ nhỏ cũng vậy.

Trước hết, chúng ta cần hiểu “thấp trệ” ở trẻ có biểu hiện như thế nào, và ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của trẻ.

Thể "tỳ hư - thấp trệ" ở trẻ là gì?

Yếu tố “thấp” hay “ẩm” có thể đến từ môi trường bên ngoài hoặc từ bên trong cơ thể. Bên ngoài có thể do môi trường ẩm thấp, độ ẩm cao, bên trong có thể do chức năng vận hoá của tạng tỳ (hệ tiêu hoá) của trẻ có vấn đề, dẫn đến tỳ không vận hoá được thuỷ dịch trong cơ thể dẫn đến thuỷ dịch đình trệ (thấp trệ).

Biểu hiện thấp trệ thường thấy mà chúng ta có thể quan sát được là người nặng nề, mệt mỏi, không có tinh thần, trên da có thể nổi mụn nước, trẻ chán ăn, tiêu hoá kém, đại tiện phân không thành khuôn, rêu lưỡi trắng nhớt.

Thấp trệ lâu ngày có thể chuyển hoá thành nhiệt, lúc này trẻ ở giai đoạn “thấp nhiệt” trẻ có thể thấy rêu lưỡi dầy lên, có thể ánh vàng, hôi miệng, đại tiện khó, hoặc cảm giác mót rặn, phân thiên táo.

Giai đoạn tiếp theo sau khi thấp ứ trệ hoá nhiệt, lúc này nhiệt chưng đốt thuỷ dịch thành đờm. Đờm tích tụ dễ dẫn đến các bệnh lý về hô hấp ở trẻ, ngoài ra đàm thấp ứ trệ cũng gây cản trở chức năng tiêu hóa của tỳ vị. Chính vì vậy, một trong những biểu hiện của trẻ “thấp trệ” là thừa cân, béo phì. Ở những trẻ này, chúng ta có thể quan sát thấy lưỡi trẻ xuất hiện vết hằn răng.

Đông y điều trị trẻ “Tỳ hư – thấp trệ” như thế nào?

Đối với trẻ chức năng tiêu hoá của tỳ vị kém, thuỷ thấp đình trệ, biểu hiện tiêu hoá kém, chán ăn, tinh thần uể oải, ngại chơi đùa, Đông y có một bài thuốc cổ phương thường dùng, đó chính là “Lục quân tử thang”.

“Lục quân tử thang” là sự kết hợp của 6 vị thuốc, trong đó “quân tử” có nghĩa là bài thuốc đầu tay mà bất cứ ai “tỳ hư, thấp trệ, đàm thấp” lựa chọn. Vị thuốc quân dược trong bài là nhân sâm, dùng cho trẻ nhỏ có thể thay bằng đảng sâm hoặc thái tử sâm có tác dụng bổ khí, kiện tỳ; bạch truật có tác dụng làm “ ráo” thấp trong cơ thể, đồng thời nâng cao chức năng tiêu hoá của tỳ vị; phục linh lợi thấp, đào thải thấp ra ngoài cơ thể, đồng thời kiện tỳ hoà vị; Cam thảo vị ngọt, cũng có tác dụng bổ khí kiện tỳ, đồng thời điều hòa các vị thuốc trong bài; Trần bì, bán hạ là hai vị thuốc tiêu biểu để trị đàm, trần bì vị cay, ngọt, thơm giúp đầy mạnh chức năng vận hoá của tỳ, bán hạ hoá đờm ứ trệ. Có thể nói, 6 vị thuốc kết hợp có thể điều trị một cách toàn diện các vấn đề của “thấp trệ” ở trẻ em, dù là thấp từ bên ngoài, hay thấp trệ mới sinh, hay thấp lâu hoá nhiệt hay đàm thấp thì đều có thể ứng dụng bài thuốc Lục quân tử thang. Khi đàm thấp ứ trệ được hoá, chức năng tiêu hoá của tỳ được vận hành bình thường, khi đó trẻ ăn uống ngon miệng hơn, tiêu hoá tốt hơn, tinh thần thoải mái.

Ngoài ra Lục quân tử thang cũng có thể được ứng dụng để điều trị giai đoạn sau của trẻ ho, đờm, suyễn bởi sau khi mắc các bệnh lý hô hấp, khí trong cơ thể thường hao tổn khá nhiều, mà tạng tỳ là nguồn hoá sinh ra khí, chính vì vậy bài thuốc có thể ứng dụng trong giai đoạn ổn định sau khi trẻ điều trị các bệnh lý hô hấp đợt tấn công.

Bổ tỳ P/H là thuốc y học cổ truyền được bào chế theo bài thuốc Lục quân tử thang, phù hợp với trẻ "tỳ hư - thấp trệ"

Dưỡng sinh cho trẻ “tỳ hư – thấp trệ”

Dưỡng sinh cho trẻ thể "tỳ hư - thấp trệ" cần lưu ý những vấn đề sau:

- Hạn chế các yếu tố thấp từ môi trường: trong những ngày thời tiết nồm ẩm, các bậc phụ huynh nên hạn chế trẻ chơi ở ngoài trời nhiều, ngoài ra trong nhà có thể bổ sung máy hút ẩm, điều chỉnh độ ẩm trong phòng; trẻ tắm gội xong nên lau khô người, sấy khô tóc, tránh để nước ẩm, lạnh ngấm vào cơ thể.

- Vận động: Vận động là một cách tốt nhất để sinh dương khí, dương khí sinh sẽ giúp đẩy lùi đàm thấp ứ trệ. Chính vì vậy, các bố mẹ có thể động viên trẻ luyện tập thể dục thể thao vừa sức, tránh để ra mồ hôi quá nhiều.

- Bổ sung bằng thực phẩm: Cháo dưỡng sinh giúp “kiện tỳ, trừ thấp” như ý dĩ, đậu xanh, bí đao, yến mạch, cá chép,…

- Cháo đậu xanh ý dĩ: Đậu xanh 20g, ý dĩ 20g, gạo 30g. Cách làm: Hạt ý dĩ và đậu xanh đem rửa sạch, cho lượng nước thích hợp vào nồi, sau đó cho ý dĩ, đậu xanh, gạo vào nấu đến khi thành cháo. Tác dụng: Kiện tỳ lợi thấp, vận tiêu hoá.