Nghiên cứu ứng dụng lâm sàng của bài thuốc cổ phương Tiểu thanh long thang

Gửi lúc 14:29' 25/10/2022

Tác giả: Tiền Hoa - Đại học trung y dược Nam Kinh năm 2006

Tiểu thanh long thang là một bài thuốc cổ phương nổi tiếng được nhắc đến lần đầu trong tác phẩm Thương Hàn Luận và Kim Quỹ Yếu Lược của Y gia Trương Trọng Cảnh. Bài thuốc hiện nay vẫn đang được ứng dụng lâm sàng rộng rãi với hiệu quả điều trị được minh chứng rõ ràng.

Bài thuốc Tiểu thanh long thang đã có lịch sử hơn 1500 tuổi

Bài viết này dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu của tác giả qua các tạp chí toàn văn tại Trung Quốc từ năm 1994- năm 2006 bao gồm 139 bài viết về nghiên cứu ứng dụng lâm sàng của bài thuốc Tiểu Thanh Long Thang. Các nội dung được thu thập và tổng kết như sau:

1. Phổ bệnh điều trị

Theo các báo cáo mới nhất, Tiểu Thanh Long Thang được áp dụng để điều trị cho khoảng 32 loại bệnh khác nhau.

Tổng số ca thống kê điều trị là 3441, phân theo tỉ lệ: Hen phế quản 1090 ca, chiếm 31,68%; Viêm phế quản phổi 515 ca, chiếm 14,97%; Viêm mũi dị ứng 419 ca, chiếm 12,18%; Viêm phế quản mãn tính 385 ca, chiếm 11,19%; Viêm thanh quản 256 ca, chiếm 7,44%; viêm tiểu phế quản cấp 162 ca, chiếm 4,71%; Hen phế quản mãn tính lâu ngày 127 ca, chiếm 3,69%; Viêm đường hô hấp trên 114 ca, chiếm 3,31%; Viêm phế quản thở khò khè 100 ca, chiếm 2,91%; Viêm gan B 64 ca, chiếm 1,86%; Bệnh phổi  tắc nghẽn mãn tính 62 ca, chiếm 1,8%; Bệnh tâm phế mạn 48 ca, chiếm 1,39%; Tràn dịch màng phổi do chấn thương 36 ca, chiếm 1,05%; Hội chứng nút xoang bệnh lý 24 ca, chiếm 0,7%; Bệnh sởi 19 ca, chiếm 0,55%; Bệnh lý dạ dày, chứng tăng tiết nước bọt chiếm mỗi loại 2 ca, chiếm 0,06%;

Ngoài ra còn có các bệnh lý khí phế thũng, viêm phổi do nấm, viêm phổi kẽ có xơ hóa nhẹ, phù  phổi cấp, hội chứng ruột kích thích, viêm đường tiết niệu, viêm bang quang, xuất huyết dưới màng nhện, viêm khớp dạng thấp, đau thần kinh tọa, chứng buồn tiểu khi nhìn thấy nước, táo bón, đau vai gáy, thoát vị bẹn, bệnh múa giật do nhiễm khuẩn,… mỗi loại bệnh 1 ca, chiếm 0.03%. Từ đó có thể thấy, Tiểu thanh long thang chủ yếu ứng dụng điều trị cho các bệnh lý hô hấp.

2. Tiểu thanh long thang được ứng dụng trong đa dạng các triệu chứng

Nguyên văn Thương Hàn luận: Tiểu thanh long thang điều trị cho chứng bên ngoài có “ngoại cảm phong hàn”, bên trong thủy thấp, đàm ẩm ứ trệ. Các triệu chứng sợ lạnh, phát sốt,  không ra mồ hôi, ho suyễn, đờm trắng loãng; nặng thì khó thở không nằm thẳng được; nôn khan,đị tiện lỏng nát;  nuốt nghẹn; tiểu dắt, tiểu nhiều lần; bụng dưới chướng;  chân, mặt phù; miệng khát, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch phù khẩn.

Dựa theo báo cáo ứng dụng Tiểu thanh long thang trong điều trị triệu chứng của 45 trường hợp bệnh lý đường hô hấp, hiệu quả thấy rõ nhất ở 3 triệu chứng sau: Ho 43 ca, chiếm 95,56%; viêm 37 ca, chiếm 82,22%; suyễn 35 ca, chiếm 77,87%. Các triệu chứng khác như phát sốt chỉ 2 ca, chiếm 4,44%; nôn khan 5 ca, chiếm 11,11%; miệng khát 11 trường hợp, chiếm 24,4%; đại tiện lỏng nát 0 ca; nuốt nghẹn 2 ca, chiếm 4,44%; tiểu dắt, tiểu nhiều lần 9 ca, chiếm 20%; bụng dưới chướng 5 ca; chiếm 6,67%, tỉ lệ đều rất nhỏ. Tóm lại, dựa vào tỉ lệ trên, chúng ta có thể thấy, Tiểu thanh long thang chủ yếu điều trị 3 triệu chứng ho, viêm, suyễn, ngoài ra có thể có các triệu chứng kèm theo như sốt, nôn khan, miệng khát, nuốt nghẹn, tiểu dắt, tiểu nhiều lần, bụng dưới chướng, phù (thủy thũng).

Xem lưỡi: chất lưỡi thường gặp phù hợp với bài Tiểu thanh long thang chủ yếu là chất lưỡi hồng nhạt  hoặc lưỡi nhạt, lưỡi ám tối với tỉ lệ lần lượt là 46,67%; 26,67%; 20%; Rêu lưỡi thường là rêu trắng dính, trắng mỏng, trắng nhớt với tỉ lệ tương ứng là 40%; 26,67%; 22,22%.Đồng thời dựa vào thống kê bệnh nhân theo độ nhạt của lưỡi, màu sắc rêu lưỡi, chất lưỡi có thể thấy kết quả tương đối rõ ràng rằng, chất lưỡi, hình dáng lưỡi chính của bệnh nhân ứng dụng Tiểu thanh long thang là chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mỏng.

3. Gia giảm vị thuốc theo chứng bệnh

Các vị thuốc trong bài Tiểu thanh long thang bao gồm có: ma hoàng, quế chi, thược dược, tế tân, can khương, chích cam thảo, ngũ vị tử, bán hạ. Trên lâm sàng, gia giảm tùy theo triệu chứng. Các bệnh lý hen, viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp thường gia thêm thuốc thanh phế, hóa đàm , bình syễn như hạnh nhân, đình lịch tử, tô tử, bạch giới tử, chiết bối mẫu, ngư tinh thảo, sinh thạch cao, lai phục tử, phục linh, bạch truật, trần bì, tử uyển, khoản đông hoa, tang bạch bì, thạch anh tím, phật nhĩ thảo,…; Viêm mũi dị ứng thường gia thêm tân di, thương nhĩ tử, bạch chỉ, thuyền thoái,…các vị thuốc thông tị khiếu ( thông mũi); Ngoài ra còn gia thêm các vị thuốc để cố bản (bệnh nhân bẩm tố hư nhược cần điều trị nhằm nâng cao chính khí – tăng cường sức đề kháng) như đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, phục linh,…; Hội chứng nút xoang bệnh lý gia thêm các vị bổ khí dưỡng âm, hoạt huyết ôn dương nhằm nâng cao  hiệu quả điều trị như chích hoàng kỳ, đảng sâm, hồng sâm, tây dương sâm, mạch đông, chế phụ tử thái phiến, bổ cốt chỉ, giới bạch, toàn qua lâu, thạch xương bồ, xích thược, đan sâm, hồng hoa,…

5. Lượng dùng của các vị thuốc

Nguyên gốc trong kinh văn Thương Hàn Luận, liều lượng dùng của các vị thuốc như sau: Ma hoàng, thược dược, tế tân, can khương, chích cam thảo, quế chi mỗi vị 2 lượng ( đơn vị cổ), ngũ vị tử bán thăng, bán hạ bán thăng (bán thăng: đơn vị đo lường thời nhà Hán). Trong  " Phương tế học" bản 5, liều lượng dùng Tiểu thanh long thang hiện đại là: ma hoàng 9g, bạch thược 9g, bán hạ 9g, quế chi 6g, cam thảo 6g, can khương 3g, tế tân 3g, ngũ vị tử 3g. Theo báo cáo lâm sàng, liều lượng thuốc có sự chênh lệch tương đối lớn, đối với bệnh nhân mức độ bệnh năng hơn, độ tuổi khác nhau, liều lượng dùng cũng tùy theo đó mà tăng lên hoặc giảm đi. Đặc biệt đối với những bệnh nhân hen phế quản dai dẳng mức độ nặng, thường dùng thuốc giãn phế quản Aminophylline, kháng sinh, chức năng của tuyến vỏ thượng thận suy giảm, sẽ thấy hiệu quả ít và tương đối chậm. Nhiều học giả cho rằng phải tăng liều mạnh lên cho những trường hợp này, đặc biệt là ma hoàng, tế tân, bán hạ, bạch thược. Cụ thể liều lượng dùng như sau: ma hoàng 3-15g, thậm chí có bác sĩ kê ma hoàng lên đến 30g để điều trị hen phế quản nặng dẫn đến khí phế thũng; quế chi 5-20g; bạch thược 6-30g, có người cho rằng với bệnh nhân hen suyễn nặng, bạch thược có thể dùng đến 50g; can khương 3-20g; ngũ vị tử 5-20g; bán hạ 6-30g; cam thảo 3-20g; tế tân 2-15g ( thậm chí có thê lên đến 20g).

Trong lịch sử, "Bản thảo cương mục" có ghi: tế tân không nên dùng quá 1 tiền (khoảng 5g theo đơn vị hiện đại), "Bản thảo kinh lưu" cũng có ghi " tế tân... không nên dùng quá 5 phần vì tính vị quá mãnh liệt". Thế nhưng trong những báo cáo lâm sàng hiện đại, tế tân thậm chí có thể dùng lên đến 20g mà không thấy có tác dụng phụ gì, vì thế quan điểm cổ đại " tế tân không dùng quá 1 tiền" vẫn còn là vấn đề đang được thảo luận.

6. Tỉ lệ thống kê hiệu quả điều trị lâm sàng

 Tên bệnh

Tỉ lệ khống chế được trên lâm sàng

Hiệu quả rõ rệt

Có hiệu quả

Không hiệu quả

Tổng tỉ lệ hiệu quả điều tr

Hen phế quản

13.33-81.43

14.29-61.22

7.29-32.65

2.00-8.69

93.30-98.00

Viêm phế quản

72.31-87.69

9.23-13.85

7.69-13.75

3.08-6.15

93.85-96.00

Viêm mũi dị ứng

49.06-52.03

45.28-50.00

30.03-36.00

5.66-14.00

64.70-94.30

Viêm phế quản mãn tính

50.75-77.62

 

18.10-44.00

1.47-8.96

91.10-97.60

Viêm thanh quản

83.50

5.08

 

1.95

88.67

Viêm nhiễm đường hô hấp trên

60.00-60.87

 

32.61-33.33

6.52-6.67

93.30-93.48

Viêm gan B

 

93.75

6.25

 

100.00

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

39.47

36.84

18.42

5.26

94.74

Hội chứng nút xoang bệnh lý

 

54.17

37.50

8.33

91.70

Tâm phế mạn

18.75

47.92

20.83

12.05

66.67

Bệnh sởi

47.37

 

36.84

15.79

84.21

7. Nghiên cứu tác dụng dược lý lâm sàng hiện đại

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, ma hoàng có tác dụng kháng serotonin, tế tân và can khương có tác dụng kháng histamine và acetylcholine; quế chi và ma hoàng có tác dụng ngăn chặn sự kết hợp của kháng nguyên và kháng thể, cam thảo có tác dụng chống viêm và chống dị ứng. Ma hoàng, quế chi, bán hạ, thược dược, tế tân, can khương đều có tác dụng giãn phế quản; Cam thảo, can khương có tác dụng điều hòa chức năng bài tiết của niêm mạc đường hô hấp; Bạch thược, ngũ vị tử, tế tân đều có khả năng  tiêu, long đờm.

Một số bác sĩ đã thực hiện nghiên cứu  Tiểu thanh long thang  trong các thí nghiệm trên động vật, và kết quả cho thấy nó có ý nghĩa rất tốt. Kết quả cho thấy  giảm rõ rệt cơn co thắt cơ trơn phế quản ở lợn guinea do kháng histamine gây ra; Có sự điều hòa của glucocorticoid (GCR) và thụ thể Beta e trong mô phổi của chuột bị hen.Tăng đáng kể nhạy cảm não giữa bài tiết AD và DA ở chuột, làm giảm đáng kể sự tiết HIS và 5-HT, ổn định màng tế bào mast, ức chế sự phân hủy tế bào mast. Ni Liqiang đã chứng minh được sự ảnh hưởng của Tiểu thanh long thang lên cytokine TH1 / TH2 ở chuột bị hen. Tác dụng đã được nghiên cứu và kết quả cho thấy nó có thể làm giảm nồng độ IL-4 và giá trị IL-4 / lFN-1 trong huyết tương của chuột bị hen. Điều đó chứng minh rằng, Tiểu thanh long thang có sự kiềm chế, kiểm soát phản ứng ưu thế của các tập hợp con tế bào TH2 và điều chỉnh cân bằng miễn dịch. Cơ chế hoạt động cụ thể là: ức chế chức năng bài tiết của tế bào TH2, giảm mức độ gây viêm của cytokine IL_4 , giảm hoạt động của bạch cầu ái toan, giảm giá trị IL-4fIFN-y, giảm tổng hợp IgE trong cơ thể. Từ đó giảm viêm đường thở, giảm triệu chứng tăng đáp ứng đường thở đường thở và giảm hen. Có thẻ thấy rằng Tiểu thanh long thang có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, làm chậm và giảm tần suất khởi phát cơn hen, từ đó đạt được mục đích phòng ngừa và điều trị bệnh hen suyễn.

Cũng dựa theo nghiên cứu lâm sàng, Tiểu thanh long thang còn có khả năng phục hồi và cải thiện chức năng của phổi. Các chỉ số FEV1, PEF được cải thiện rõ rệt. Có khả năng làm giảm tỉ lệ bạch cầu ưa acid trong máu ngoại vi, giảm độ nhớt máu và cải thiện lưu thông mạch máu; Ngoài ra còn ức chế tác dụng của chất kích thích ung thư phổi trên chuột; Làm giảm đáng kể các dòng tế bào T, đặc biệt là các tế bào dương tính với CD3, CD4, CD8; tăng tế bào B (CD19).

Kết luận: Ứng dụng lâm sàng của Tiểu thanh long thang trong điều trị bệnh lý hô hấp cho thấy hiệu quả rõ rệt, ít tác dụng không mong muốn. Phương thuốc chủ yếu điều trị các chứng ho, viêm, suyễn, ngoài ra có các triệu chứng kèm theo, hình dáng - màu sắc- chất lưỡi, mạch tượng. Để đạt được kết quả điều trị cao trên lâm sàng cần linh hoạt gia giảm, điều chỉnh liều lượng phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân, đồng thời tham khảo thêm các nghiên cứu dược lý lâm sàng hiện đại. Nắm được và phân tích triệu chứng chính xác phù hợp với bài thuốc, như vậy mới được coi là điều trị đích.

Bác sĩ Phạm Thu Hằng biên dịch - Tổng đài bác sĩ miễn cước 1800 5454 35