Các thuốc gây tăng acid uric máu
Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa các nhân purin dẫn đến tăng acid uric máu. Có nhiều nguyên nhân làm tăng acid uric máu. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến nguyên nhân có thể gặp gây tăng acid uric máu là do sử dụng một số thuốc gây giảm bài tiết acid uric qua thận như dùng aspirin, phenylbutazone liều thấp kéo dài, đa số các thuốc lợi tiểu (trừ nhóm spironolactone) dùng kéo dài; thuốc điều trị lao như ethambutol, pyrazinamid...
Nhóm thuốc lợi tiểu:Các thuốc lợi tiểu được chỉ định dùng trong điều trị phù do suy tim, xơ gan, suy thận cấp hay mạn tính, hội chứng thận hư… được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác để điều trị tăng huyết áp. Hầu hết các thuốc trong nhóm lợi tiểu, dù là lợi tiểu nhóm thiazide; lợi tiểu quai furosemide… khi dùng kéo dài đều có thể gây tăng acid uric máu. Các thuốc lợi tiểu này làm giảm bài tiết acid uric qua thận, dẫn đến tăng nồng độ chất này trong máu.
Có thể kể một số thuốc lợi tiểu gây tăng acid uric máu như hydrochlorothiazide, các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide và tương tự thiazide khác (chorthalidone, metolazone); lợi tiểu quai furosemide, bumetanide, ethacrynic acid; lợi tiểu nhóm indapamide; amiloride… Chỉ duy nhất thuốc lợi tiểu nhóm spironolactone là không ảnh hưởng đến thải trừ acid uric nên có thể dùng kéo dài ở bệnh nhân gút hoặc tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng; còn hầu hết các thuốc khác đều cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt nếu phải dùng kéo dài.
Aspirin, hay acetylsalicylic acid (ASA):là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid; có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Thuốc còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, khi dùng liều thấp kéo dài có thể phòng ngừa đau tim và hình thành cục nghẽn trong mạch máu. Ngoài tác dụng không mong muốn xảy ra như rối loạn tiêu hóa: kích ứng dạ dày, đầy bụng, buồn nôn… Aspirin còn có tác dụng trên quá trình thải trừ acid uric nhưng tùy thuộc vào liều: liều 1-2g/ngày hoặc thấp hơn có tác dụng giảm thải trừ acid uric qua thận dẫn đến tăng acid uric máu. Liều cao trên 2g/ngày lại tăng thải acid uric qua thận dẫn đến giảm acid uric máu.
Tuy nhiên, aspirin liều cao không được dùng làm thuốc điều trị hạ acid uric máu trong bệnh gút vì nó làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị gút khác và làm tăng tác dụng phụ trên dạ dày ruột. Trường hợp bệnh nhân gút cần dùng thuốc aspirin liều thấp kéo dài với mục đích chống ngưng tập tiểu cầu cần thận trọng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Nếu có thể thay thế bằng các thuốc khác như clopidogrel (plavix), dipyridamol (persantin, curantyl).
Thuốc chống lao:Bệnh lao hiện nay khá phổ biến và có nguy cơ gia tăng cao trong xã hội, đặc biệt khi nó phối hợp với hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Các phác đồ thuốc chống lao hiện nay thường phải kết hợp nhiều thuốc như streptomycin, rifampicin, isoniazid, ethambutol, pyrazinamid… Trong số các thuốc trên thì ethambutol và pyrazinamid là hai thuốc có thể làm tăng acid máu. Các thuốc trên nên tránh dùng khi có cơn gút cấp tính.
Nhóm thuốc vincristin, cisplatin…là những thuốc dùng trong điều trị một số bệnh lý ác tính khác nhau như u lympho ác tính Hodgkin và không Hodgkin, u lympho Burkitt, bệnh đa u tủy xương... Thuốc ức chế miễn dịch cyclosporin, cyclophosphamid được sử dụng để điều trị các rối loạn tự miễn như viêm đa cơ, luput ban đỏ hệ thống, thiếu máu tan huyết tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, các chứng viêm mạch như bệnh u hạt Wegener, vảy nến thể nặng… Các thuốc trên làm tăng acid uric máu do giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu và có thể kèm gây tăng hủy tế bào.
Một số thuốc khác cũng gây tăng acid uric máu như phenylbutazon là một thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng điều trị sốt, đau và viêm trong cơ thể. Ketoconazol là một trong những loại thuốc uống đầu tiên ngăn ngừa nấm. Isotretinoin là thuốc chữa trứng cá do làm giảm bài tiết và kích thích tuyến bã nhờn vì vậy làm giảm sẹo.
Theophyllin là thuốc giãn phế quản nhóm xanthine dùng trong điều trị bệnh hen phế quản, ngoài ra còn có tác dụng lợi tiểu. Pentamidin, một thuốc kháng sinh hay dùng trong điều trị pneumocystis jiroveci (thường gặp ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS). Levodopa dùng trong điều trị bệnh Parkinson. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, một số bệnh nhân điều trị tăng huyết áp với thuốc chẹn beta giao cảm timonol lại thấy tăng acid uric máu nhưng ở bệnh nhân không có tăng huyết áp thì timolol không có ảnh hưởng gì rõ rệt đến thải acid uric tại thận…
Tóm lại, với việc gia tăng tình hình bệnh tật như hiện nay, đặc biệt là sự kết hợp bệnh gút với nhiều bệnh lý khác do đó một người có thể phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc, vì vậy chúng ta cần thận trọng trong sử dụng một số thuốc điều trị có thể làm tăng acid uric máu dẫn đến khởi phát cơn gút cấp.
ThS. Bùi Hải Bình (Khoa Cơ Xương Khớp, BV Bạch Mai)
Nguồn: suckhoedoisong
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165218 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67057 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46658 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36579 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 31082 lượt xem )