Các tác dụng không mong muốn Aspirin
Do không tìm hiểu thật kỹ, nhiều người bệnh vẫn không biết đủ và rõ những tác dụng không mong muốn của aspirin dẫn đến dùng sai.
Cơ chế tạo nên hiệu lực và tác dụng không mong muốn của aspirin
Cơ thể sinh tổng hợp các prostaglandin để điều hòa một số hoạt động của có thể. Hiện đã biết được khoảng 20 loại prostagandin có tác dụng khác nhau.
- Aspirin ức chế cyclooxydase 2 (COX2) nên làm giảm sinh tổng hợp một số prostaglandin, dẫn đến các hiệu lực chữa bệnh như:
- Làm vững bền màng lysosom trong quá trình thực bào; ức chế các chất trung gian hóa học gây viêm như các kinin huyết tương; ức chế cơ chất của enzyme, ức chế sự di chuyển bạch cầu, ức chế phản ứng kháng nguyên - kháng thể; tăng steroid (do có gốc salicylic) nên có tác dụng chống viêm.
- Làm giảm tính cảm thụ của các ngọn dây thần kinh cảm giác với các chất gây đau của các phản ứng viêm như bradykinin, histamin, serotonin nên có tác dụng giảm đau.
- Làm giảm quá trình tạo nhiệt (giảm rung cơ, tăng hô hấp, tăng chuyển hóa), tăng thải nhiệt (giãn mạch da, tăng tiết mồ hôi), aspirin ức chế prostaglandin E2 mạnh hơn cả nên tính hạ sốt cũng vượt xa các kháng viêm không steroid (NAIDs) khác.
Aspirin ức chế cyclooxydase 1 (COX1), ức chế sinh tổng hợp một số loại prostaglandin khác, dẫn đến:
- Làm giảm tiết các chất bảo vệ (chất keo, natri bicarbonat), tăng tiết dịch vị gây viêm loét dạ dày tá tràng; giảm máu đến dạ dày nên khó hồi phục tổn thương này.
Các NSAIDs ức chế COX1 với các mức khác nhau trong đó aspirin thuộc loại mạnh nên cũng có nhiều tác dụng không mong muốn (TDKMM) hơn so với NSAIDs khác.
Những tác dụng không mong muốn căn bản của aspirin
Với đường tiêu hóa:
Aspirin là một acid gây xót và cồn cào khi uống, nhất là uống khi đói, aspirin ức chế COX1 làm giảm tiết các chất bảo vệ (chất keo, natri bicarbonat), làm tăng tính acid aspirin gây bào mòn dạ đày, hủy hoại tế bào biểu mô ở dạ dày tá tràng, đường ruột nói chung.
Loại aspirin pH8 không tan trong dạ dày mà chỉ tan ở ruột nên làm giảm được tác dụng phụ do tính acid của aspirin trực tiếp gây ra, nên có thể uống cả lúc no lẫn lúc đói. Tuy nhiên, trong hai cơ chế gây hại dạ dày thì cơ chế ức chế COX1 là chính và aspirin pH8 không làm giảm TDKMM gây ra theo cơ chế này, nên vẫn gây hại dạ dày; những người thuộc diện đang bị hoặc có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng, đường ruột thì không được dùng aspirin kể cả aspirin pH8.
Các TDKMM trên đường ruột còn xảy cả với người bình thường nếu dùng kéo dài (lúc đầu chỉ bị viêm vi thể, chỉ phát hiện được bằng nội soi, về sau có biểu hiện lâm sàng rõ nặng lên). Do vậy, người bình thường được dùng aspirin nhưng lại không được tùy tiện (chỉ dùng khi cần thiết, không dùng kéo dài).
Với huyết áp: aspirin ức chế COX1 làm giảm prostaglandin-I2, tăng giải phóng renin, gây tăng huyết áp khi dùng kéo dài, dẫn tới nguy cơ đột quỵ xuất huyết não, đặc biệt hay xảy ra ở người tăng lipid máu, xơ vữa động mạch, tuổi mãn kinh, cao tuổi... với tỉ lệ 1/350. Cao huyết áp vô căn thường có ở người lớn tuổi. Do yếu tố nguy cơ nào đó (như béo phì) trẻ cũng có thể bị cao huyết áp (gọi là trẻ bị bệnh của người lớn). TDKMM này sẽ gây hại cho các trẻ này. Aspirin tương tác với thuốc hạ huyết áp. Ví dụ: thuốc ức chế men chuyển làm tăng prostaglandin gây giãn mạch, hạ huyết áp trong khi aspirin đó làm giảm prostaglandin nên giảm hiệu lực hạ huyết áp của ức chế men chuyển.
Với thận: aspirin ức chế COX1, làm giảm prostaglandin-I2 ở thận, giảm lưu lượng máu nuôi thận, giảm độ lọc cầu thận, giải phóng renin, gây rối loạn nước - điện giải, rối loạn chức năng tiểu cầu thận, viêm thận mô kẽ, hoại tử nhú thận, suy thận cấp, tăng K+ máu. TDKMM này xảy ra ngay với người lớn dùng kéo dài; càng dễ xảy ra hơn với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tuổi (do chức năng lọc của cầu thận và thải trừ thuốc qua ống thận kém), với người già người suy chức năng thận (vì các chức năng này bị giảm sút).
Với dị ứng: trẻ hay bị dị ứng và khả nặng chống đỡ lại thấp. Aspirin thường gây dị ứng cho trẻ, có khi nhẹ (nổi mày đay, ban xuất huyết) nhưng có khi rất nặng (sốc phản vệ).
Với hô hấp: aspirin gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp (làm khó thở, suy giảm hô hấp); gây co thắt phế quản, làm nặng thêm bệnh hen, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
Với mắt: với người cao tuổi, aspirin tạo ra các tân mạch ở võng mạc, tân mạch này sau đó bị vỡ ra, gây xuất huyết, giảm thị lực (bệnh thoái hóa hoàng điểm ẩm).
Với hệ máu: thromboxan-A2 làm tăng sự co mạch, tăng tập kết tiểu cầu; prostacyclin ngăn ngừa giãn mạch, giảm tập kết tiểu cầu. Bình thường, prostacyclin - thromboxan-A2 ở thế cân bằng động. Người bị bệnh tim mạch, thromboxabA2 tăng cao, cân bằng này bị rối loạn, dễ hình thành huyết khối. Aspirin liều thấp (<1g) ức chế COX1, làm giảm thromboxan-A2, nên được dùng ngăn sự hình thành huyết khối, phòng tai biến tim mạch thứ cấp. Tuy nhiên, người chưa từng bị bệnh, chưa từng bị tai biến tim mạch thì hệ cân bằng động prostacyclin - thromboxan-A2 vốn ổn định; dùng aspirin không có lợi mà làm giảm thromboxan-A2 gây rối loạn hệ này. TDKMM này xảy ra ngay khi dùng ở liều thấp, nếu dùng liều cao hơn và/ hoặc kéo dài thì còn có thể gây ra các TDKMM khác trên dạ dày tá tràng, huyết áp, thận, mắt (như nói trên). Do đó, không dùng aspirin phòng bệnh tim mạch tiên phát.
Do chống tập kết tiểu cầu, kháng đông nên aspirin làm giảm sự vững bền mao mạch, gây ra hoặc kéo dài sự chảy máu ở người đang hay có nguy cơ chảy máu (tổn thương, ban xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết, phẫu thuật, sinh đẻ).
Với gan và não (hội chứng Reye): người dưới 19 tuổi, khi bị nhiễm virút (cúm influenza type B, thủy đậu, coxsakie virus, echovirus) mà dùng aspirin (hay salicylat) thì aspirin sẽ thúc đẩy hình thành hội chứng Reye. Đây là bệnh lý não - gan hiếm gặp, với biểu hiện phù não (song không thâm nhiễm tế bào), thoái hóa tế bào thần kinh não; suy gan nhiễm mỡ tiến triển nhanh, gan to (song rất ít hay không vàng da) chứa đầy các không bào chứa mỡ; được mô tả gọn là “nước não và mỡ gan” . Nếu cứu chữa không kịp thời sẽ tử vong sau vài giờ, nếu kịp thời thì có thể hồi phục song để lại khuyết tật nhẹ hay di chứng não nặng.
Với thai phụ: dùng 3 tháng đầu thai kỳ, aspirin có tiềm năng gây quái thai. Dùng ở 3 tháng cuối do aspirin làm giảm prostaglandin-E,F (chất có vai trò làm tăng co bóp tử cung) nên làm giảm co bóp tử cung tăng thời gian mang thai. Ngoài ra, aspirin do làm giảm prostanglandin I2 nên làm đóng sớm ống động mạch của thai nhi dẫn tới tăng huyết áp động mạch phổi gây nguy cơ suy hô hấp tuần hoàn ở trẻ sơ sinh. Tính gây chảy máu của aspirin cũng sẽ làm tăng sự chảy máu lúc sinh đẻ.
Người bệnh cần lưu ý gì khi dùng aspirin?
Các trường hợp không được dùng aspirin:
- Đang bị hay có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đường ruột nói chung.
- Đang có nguy cơ chảy máu (tổn thương, ban xuất huyết duới da, sốt xuất huyết, phẫu thuật, sinh đẻ) hay đang dùng thuốc kháng đông(như coumarin, clopidrogel…).
- Đang có bệnh về hô hấp hay đang ở trong tình trạng suy hô hấp.
- Có tiền sử hay đang bị viêm thận, suy gan, cao huyết áp.
- Đang mang thai, trước trong và sau khi đẻ, đang nuôi con bú.
Phần lớn người bệnh mới biết các chống chỉ định liên quan đến các bệnh mạn tính (như; viêm loét dạ dày tá tràng cao huyết áp, suy gan thận...) ít biết các chống chỉ định liên quan đến các bệnh cấp tính.
Cẩn thận hơn khi dùng aspirin cho trẻ em
Với trẻ em: aspirin gây ra các TDKMM cho trẻ em như người lớn nên tất cả những chống chỉ định với người lớn cũng là chống chỉ định cho trẻ em. Nhưng các TDKMM dễ xảy ra và ở mức nặng hơn ở trẻ em. Do đó, không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi. Riêng trường hợp đang bị nhiễm virút thì cả trẻ 18 tuổi cũng không được dùng aspirin (tránh bị hội chứng Reye). Tuy nhiên, thầy thuốc có thể chỉ định aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi trong một số trường hợp ngoại lệ.
Khi có những chỉ định ngoại lệ này bà mẹ cần yên tâm cho con dùng aspirin song phải cùng với thầy thuốc theo dõi chặt chẽ.
DS.CKII. BÙI VĂN UY
Theo Sức khỏe & Đời sống
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165237 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67084 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46723 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36594 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 31143 lượt xem )