Tổng hợp nghiên cứu ứng dụng lâm sàng bài thuốc Tô Tử Giáng Khí Thang

Gửi lúc 11:30' 23/08/2023

Bài thuốc Tô tử giáng khí thang được ghi chép đầu tiên vào thời nhà Đường trong cuốn “Bị cấp thiên kim yếu phương” với tên gọi “Tử tô tử thang”, đến thời nhà Tống được đổi tên thành bài thuốc “Tô tử giáng khí thang” theo ghi chép trong cuốn “Thái bình huệ dân hoà tễ cục phương”.

Ngày nay, thành phần bài thuốc đã có những sự thay đổi nhất định. Bài thuốc hiện nay gồm 10 vị: tô tử, bán hạ, cam thảo, tiền hồ, hậu phác, đương quy, nhục quế, trần bì, sinh khương, đại táo. Trong phương tô tử giáng phế khí nghịch, tiêu đàm ứ trệ làm quân dược. Trần bì, bán hạ táo thấp hoá đàm giáng nghịch làm thần; hậu phác, tiền hồ giáng khí hoá đàm, giảm ho; nhục quế, đương quy dưỡng huyết, ôn bổ can thận hạ nguyên làm tá dược; đại táo, sinh khương điều hoà tỳ vị, ngoài ra một số ghi chép có thể có thêm tô diệp tuyên phế tán hàn, giáng khí hoá đàm đồng thời điều hoà phế khí. Cam thảo hoà trung, bổ khí, điều tiết các vị thuốc trong bài.

Bài thuốc Tô tử giáng khí thang chủ yếu được ứng dụng trong các bệnh lý chuyên khoa hô hấp, không chỉ điều trị hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm phế mạn, suy tim mạn, đồng thời có thể cải thiện các triệu chứng của các bệnh lý hô hấp như ho, khò khè, khạc đờm,… Bài thuốc cổ phương Tô tử giáng khí thang với kết cấu phối hợp các vị thuốc chặt chẽ và tinh tế, có hiệu qủa điều trị rõ ràng và được các thầy thuốc ưa chuộng cho đến ngày nay.

Bài thuốc Tô tử giáng khí thang (Ảnh minh họa)

Bài viết này, chúng tôi tổng hợp lại các nghiên cứu (Trung Quốc) về tác dụng của bài thuốc Tô tử giáng khí thang đối với các bệnh lý hiện đại, từ đó giúp người đọc có cái nhìn tổng quan hơn về tính ứng dụng của Tô tử giáng khí thang trên lâm sàng.

Viêm phế quản mạn tính

Viêm phế quản mạn tính theo quan điểm của Đông y thuộc phạm trù chứng “khái thấu”, “suyễn chứng”, triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện là ho, đờm, khó thở.

Trong Đông y không có khái niệm bệnh danh Viêm phế quản mạn tính, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh lý này phù hợp với thể phế khí hư trong đông y. Bệnh có tính chất tái phát nhiều lần, phế khí không điều tiết được, thanh khí không thanh, trọc khí không giáng, phế hư khí nhược, điều trị thường bổ phế, giáng khí, tiêu đàm đồng thời bổ vào để củng cố chính khí của cơ thể.

Nghiên cứu của tác giả Thịnh Mai Mai năm 2012 đã cho thấy, Tô tử giáng khí thang có thể thông qua việc cải thiện các chỉ số FEV1% và FEV1/FVC, từ đó cho thấy có thể cải thiện chức năng hô hấp của phổi, đồng thời là giảm tần suất tái phát cho người bệnh. Không những vậy, các triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở cũng được cải thiện rõ rệt. Các tác dụng không mong muốn hầu như chưa được ghi nhận, tính an toàn cao phù hợp với nhiều đối tượng. Tác giả Lý Tông Thanh tiến hành nghiên cứu trên 200 case bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, phân thành 2 nhóm:

Nhóm nghiên cứu gồm 100 case, điều trị bằng thuốc sắc Tô tử giáng khí thang; nhóm đối chiếu gồm 100 case dùng các phương pháp điều trị thông thường. Kết quả cho thấy nhóm nghiên cứu đạt hiệu quả điều trị lên đến 93%, các triệu chứng ho, đờm, khó thở cải thiện rõ, hiệu qủa trung bình cao hơn nhóm đối chiếu (82%), chưa ghi nhận tác dụng không mong muốn.

Hen phế quản

Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, biểu hiện là phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp có hồi phục do sự kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao hay các kích thích về cảm xúc.

Hen phế quản theo Đông y thường thuộc phạm trù của chứng thận khí hư suy, đàm thấp ủng phế. Cơ thể vốn thận khí đã kém, phế khí đàm thấp kèm theo các tác nhân bên ngoài như thờ tiết, yếu tố dị ứng, cảm xúc tác động dẫn đến khởi phát cơn. Điều trị chủ yếu giáng khí hoá đàm, chỉ khái bình suyễn.

Năm 2014, tác giả Quách Khôn Hà đã nghiên cứu trên 60 case lâm sàng bệnh nhân hen phế quản (thể thượng thực – hạ hư theo Đông y), bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ tây y và dùng thêm thuốc sắc Tô tử giáng khí thang 2 lần/ ngày. Theo đó, các triệu chứng (ho, khò khè, khạc đờm, thở nông, khó thở,..) đều cải thiện rõ rệt.

Nghiên cứu của tác giả Lưu Tuệ Hà và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu, chia 120 trẻ hen phế quản cấp thành 2 nhóm ngẫu nhiên, mỗi nhóm 60 trẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng Tô tử giáng khí thang kết hợp với phác đồ điều trị tây y đem lại hiệu quả cao vượt trội, các chỉ số (IL-6, TNF-α, IL-10)… đánh giá tình trạng viêm ở trẻ giảm hẳn, giảm co thắt phế quản, ức chế cơn hen. Trẻ tiếp nhận việc dùng thuốc tự nhiên, không ghi nhận phản ứng phụ.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh lý hô hấp mạn tính gây nguy hiểm đến sức khoẻ, bệnh xảy ra ở người trên 40 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là 9,9%.

Tác giả Trịnh Tín và cộng sự theo nghiên cứu năm 2009 cho thấy, trên cơ sở điều trị phác đồ tây y thông thường kết hợp sử dụng Tô tử giáng khí thang, nồng độ interleukin-21 (IL-21) và chemokine 13 (CXCL13) trong máu ngoại vi đều giảm, điều này chứng tỏ Tô tử giáng khí thang có thể làm giảm phản ứng viêm ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Cải thiện các triệu chứng và dấu hiệu ở phổi, chức năng phổi và chất lượng cuộc sống của người bệnh được nâng lên.

Nghiên cứu của tác giả Lý Nữu Nữu năm 2018 đã lựa chọn nghiên cứu trên 60 case lâm sàng bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính, chia làm 2 nhóm ngẫu nhiên, mỗi nhóm 30 bệnh nhân. Nhóm đối chiếu sử dụng phác đồ thông thường gồm kháng viêm, giảm ho, long đờm; Nhóm nghiên cứu ngoài phương pháp điều trị thông thường, bệnh nhân được dùng thêm thuốc sắc Tô tử giáng khí thang. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm nghiên cứu có tỉ lệ hiệu quả gồm cải thiện các triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở đều ưu thế hơn nhóm đối chiếu với phác đồ cơ bản thông thường, các chỉ số phân áp Co2 máu động mạch (PaCo2), chức năng hô hấp của phổi, nồng độ NO trong khí thở ra (FeNO) đều cải thiện rõ rệt hơn.

Bệnh tâm phế mạn

Bệnh tâm phế mạn theo quan điểm của Đông y thuộc chứng “đàm ẩm”, “phế trướng”, “tâm quý”,… Yếu tố bên ngoài kết hợp với tạng phủ trong cơ thể vốn đã hư nhược dẫn đến phế khí ủng trệ, thuỷ đình, huyết ứ, từ đó khởi phát bệnh cấp. Đồng thời xuất hiện các triệu chứng ho, khò khè, khạc đờm, phù, hồi hộp trống ngực, điều trị nên giáng khí bình suyễn, ôn thận nạp khí.

Tác giá Đoàn Tĩnh Văn và cộng sự trong nghiên cứu năm 2006 đã tiến hành nghiên cứu trên 154 case lâm sàng được chẩn đoán xác định đợt cấp tâm phế mạn, phân chia thành 2 nhóm, trong đó nhóm đối chiếu 74 case điều trị đơn thuần bằng phác đồ tây y, nhóm nghiên cứu 80 case điều trị kết hợp với Tô tử giáng khí thang. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm nghiên cứu đạt hiệu quả điều trị cao hơn rõ rệt so với nhóm đối chiếu.

Các bệnh lý khác

Ngoài các bệnh lý chuyên khoa hô hấp, Tô tử giáng khí thang còn được ứng dụng trong điều trị suy tim mạn tính. Theo Đông y, nguyên nhân dẫ đến suy tim mạn tính tính thường do đàm khí gây cản trở phế, thận khí hư suy, đàm ẩm kết hợp với chức năng của tạng tâm suy kém dẫn đến bệnh. Tâm suy lâu ngày, tâm dương không đầy đủ, không thể đi lên bổ trợ cho phế, không đi xuống ôn ấm cho tỳ và thận, thuỷ đạo bị tắc trở dẫ đến sinh ra đàm, đàm và ứ kết hợp. Điều trị chú trọng trừ đàm, tiêu ứ, làm cho đường thuỷ đạo trong cơ thể vận hành thông suốt, tâm dương được phục hồi.

Đông y có câu “cùng triệu chứng cùng pháp trị”, chính vì vậy Tô tử giáng khí thang được ứng dụng trong điều trị suy tim mạn tính thể đàm ẩm trở phế dẫn đến chức năng tạng tâm suy giảm.

Tác giả Lưu Lôi và cộng sự trong nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra rằng Tô tử giáng khí thang có hiệu quả trong điều trị cải thiện suy tim mạn tính, giảm nồng độ peptide natriuretic não huyết tương, đồng thời có thể làm tăng đào thải nước tiểu, giảm thiểu lượng thuốc lợi tiểu phải dùng mà không ảnh hưởng đến nồng độ kali máu.

Thảo luận

Tô tử giáng khí thang là bài thuốc cổ phương có lịch sử hơn 1500 tuổi, có tác dụng nổi bật trong điều trị các bệnh lý hô hấp thông qua cơ chế giáng khí hoá đàm,  giảm ho. Bài thuốc được coi là một báu vật của y học cổ truyền còn lưu truyền và ứng dụng đến ngày nay.

Trong cuốn sách “Thái Bình huệ dân hoà tễ cục phương” đã ghi chép về cách sắc Tô tử giáng khí thang như sau: các vị thuốc nghiền thành bột, mỗi ngày uống 1 tiền (xấp xỉ 5g), uống với nửa cốc nước, thêm 2 lát gừng, 1 quả táo, 5 lá tía tô, đun khoảng 10 phút, bỏ cặn uống nóng. Ngày nay bài thuốc nguyên phương gia thêm 2 lát gừng tươi, táo 1 quả, 2g lá tía tô sắc uống.

Tô tử giáng khí thang được nhiều y gia từ cổ đại đến ngày nay ứng dụng, ví dụ trong “Đan khê tâm pháp” được y gia Chu Đan Khê nhận định “Tô tử giáng khí thang, trị hư dương thượng công…” hay trong “Y tông kim giám” cũng từng viết: “Không nhiễm ngoại tà mà khí nghịch dùng giáng khí thang”, bài thuốc chủ yếu ứng dụng trong các bệnh lý hô hấp, phế khí hư suy. Với các bệnh lý khác nhau nhưng đều do nguyên nhân khí nghịch lên trên gây suyễn, ho thì đều có thể ứng dụng bài thuốc này.

Hầu hết các bệnh lý hô hấp đều liên quan đến yếu tố viêm nhiễm, kèm theo các triệu chứng lâm sàng như ho, khạc đừm, khó thở, khò khè. Việc kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền đem lại hiệu quả rõ rệt và hạn chế được tác dụng không mong muốn của thuốc tây y.

Nghiên cứu của Đại học Trung y dược Nam Kinh (Trung Quốc) năm 2017 đã cho thấy Tô tử giáng khí thang có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm ho và giảm hen suyễn tốt, điều này có liên quan chặt chẽ đến các thành phần các vị thuốc trong bài. Bata -Caryophyllene trong vị thuốc tô tử (quân dược) có thể làm thư giãn khí quản, đồng thời cải thiện đáng kể chứng ho do acrolein hoặc acid citric gây ra.

Nghiên cứu của tác giả Vương Dũng Kỳ năm 2003 trong tạp chí Trung Nam dược học phát hiện ra rằng chiết xuất nước, chiết xuất ether và chiết xuất rượu của hạt tía tô có tác dụng chống ho và long đờm rõ ràng. Acid alpha – linoleic trong dầu tiá tô có thể ức chế đáng kể sự kết tụ của các tế bào viêm trong máu ngoại vi và mô phổi, do đó phát huy được tác dụng chống hen suyễn.

Tác giả Vương Khâm Phú trong nghiên cứu của tạp chí Trung thảo dược năm 2006 đã chỉ ra rằng, chiết xuất cồn của hạt tía tô có thể làm giảm mức độ globulin miễ dịch E (IgE) ở chuột, cải thiện sự cân bằng của Th1/Th2 và có tác dụng chống dị ứng hiệu quả.

Ngoài ra, nghiên cứu của tác giả Lang Vương Anh năm 2010 trong tạp chí Trung thảo dược đã phát hiện ra rằng tổng số flavonoid của tía tô có thể làm giảm lượng IL6 và TNF-alpha, giảm lượng oxit nitric gốc tự do (NO) tại vị trí viêm, do đó có tác dụng chống viêm.

Trong bài thuốc có Trần bì (thần) có tác dụng táo thấp hoá đàm, theo nghiên cứu hiện đại, nước sắc trần bì có thể làm tăng đáng kể lượng bài tiết phenol trong khí quản chuột, đồng thời có tác dụng long đờm rõ rệt. Ngoài ra, Trần bì còn có tác dụng chống viêm bởi flavonoid trong trần bì có tác dụng ức chế đáng kể sự bài tiết NO, và thành phần này cũng ức chế sự bài tiết các cytokine gây viêm như TNF-alpha, IL-6, IL-10, từ đó chống lại hoạt động viêm. Một vị thuốc làm thần khác chính là bán hạ. Bán hạ cũng có tác dụng táo thấp hoá đàm theo Đông y, ngoài ra các acid hữu cơ có trong thành phần của bán hạ có thể làm giảm số lần ho ở chuột nghiên cứu một cách hiệu quả trong vòng 3 phút và tỷ lệ giảm ho của bán hạ có thể đạt tới 37%-64,58%. Đồng thời thành phần polysaccharid trong bán hạ có thể điều hoà interferon-γ/interleukin-4 (IFN-γ/IL-4), ổn định sự cân bằng của các tế bào Th1/Th2, tác dụng chống viêm và giảm hen suyễn dị ứng.

Tô tử giáng khí thang với sự phối ngũ tinh luyện, các vị thuốc trong phương được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ, tinh tế, có bổ có hành, thượng hạ kiêm trị, từ đó đạt tác dụng giáng khí bình suyễn, hoá đàm chỉ khái. Các vị thuốc tương trợ lẫn nhau đem lại hiệu quả giảm viêm, giảm triệu chứng, giảm số lần tái phát, rút ngắn quá trình điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và hạn chế chi phí y tế. Đây được kỳ vọng là giải pháp giảm thiểu tình trạng lạm dụng kháng sinh, kháng viêm sử dụng trong các bệnh lý đường hô hấp.

Hiện nay đã có tương đối nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại về bài thuốc Tô tử giáng khí thang và chứng minh được hiệu quả điều trị lâm sàng thực tế của bài thuốc. Trong tương lai hi vọng có thêm nhiều những nghiên cứu khoa học về các bài thuốc cổ phương khác có tính ứng dụng cao để có đầy đủ cơ sở áp dụng vào lâm sàng, làm phong phú thêm các phương pháp điều trị, tăng cơ hội điều trị cho người bệnh như những giá trị mà bài thuốc 1500 tuổi Tô tử giáng khí thang mang lại.

Thuốc hen Phúc Hưng là sản phẩm mới của Đông dược Phúc Hưng được bào chế theo bài thuốc Tô tử giáng khí thang. Thuốc có mặt tại các hiệu thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc từ ngày 1/8/2023. Sản phẩm này là THUỐC ĐIỀU TRỊ đã được Bộ Y tế cấp phép. Thuốc có số đăng ký TCT-00118-23 do Bộ Y tế cấp. Liên hệ tổng đài miễn cước 1800 5454 35 để biết thêm chi tiết về sản phẩm. 

Đông dược Phúc Hưng - Thuốc Nam của Người Việt