Dưỡng âm thanh phế thang - phương thuốc quý hồi phục tốt sau viêm phổi
Dưỡng âm thanh phế thang là một cổ phương có tác dụng thanh phế nhiệt, bồi bổ chân âm, bồi bổ phế âm sau những đợt phổi bị viêm nhiễm nặng, tân dịch bị khô ráo, phổi bị tổn thương nhiều. Do vậy tạng Phế cần được thanh thải nhiệt độc, bổ sung chân âm để hồi phục lại các chức năng hô hấp của phế. Những bệnh nhân sau khi bị viêm phổi, kể cả bệnh nhân mắc Covid 19, có thể sử dụng phương thuốc này rất tốt.
Phương thuốc cổ phương Dưỡng âm thanh phế thang gồm các vị: sinh địa 20g, huyền sâm 16g, xích thược 12g, mạch môn 16g, mẫu đơn bì 12g, xuyên bối mẫu 12g, bạc hà 8g, cam thảo 8g.
Để tăng tính bổ khí, bổ phế có thể gia thêm đảng sâm (Radix Codonopsis ) 12g. Vị thuốc mạch môn tác dụng bổ âm, bổ phế âm, sinh tân, như. Vị thuốc huyền sâm tác dụng thanh nhiệt giáng hỏa. Sinh địa, xích thược, mẫu đơn bì tác dụng lương huyết, bổ huyết. Xuyên bối mẫu, bạc hà tác dụng chỉ ho, hóa đờm, mát phế. Cam thảo, đảng sâm mang tính bổ khí, bổ phế khí. Toàn phương thuốc tác dụng bổ âm, bổ phế âm, thanh trừ nhiệt độc sau đợt viêm phổi; lại có tác dụng chỉ ho, lợi phế khí. Vì vậy có thể coi Dưỡng âm thanh phế thang là phương thuốc tốt cho phế, sau những đợt tạng phế bị viêm nhiễm . Đa số các vị thuốc trong phương có thể dễ dàng tìm kiếm ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng.
Túi khí bình thường và túi khi khi bị viêm phổi.
Sinh địa (Rehmannia glutinosa) là củ của cây sinh địa hoàng, hiện nay nhiều địa phương đã trồng trọt được, như ở Bắc Giang, Hà Nội. Sau khi thu hoạch, đem rễ sinh địa loại bỏ đất cát, sấy khô se ở 60 độ, rồi qua nhiều lần ủ, phơi, hoặc sấy nhẹ cho đến khi củ sinh địa chuyển thành mầu đen, có mốc trắng xám ở vỏ; có thể chất mềm dẻo.
Huyền sâm (Scrophularia buergeriana) là rễ của cây huyền sâm, hiện cũng đã trồng được ở Hải Hậu (Nam Định). Sau khi thu hoạch, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng thái phiến, sao vàng.
Mạch môn (Ophiopogon japonicus) là củ của cây mạch môn, được trồng ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Mùa đông, thu hái lấy rễ, rửa sạch phơi khô; cũng có thể sau khi rửa sạch, đem đồ chín rồi phơi khô. Trước khi dùng bỏ lõi.
Bạc hà: thu hái bộ phận trên mặt đất, khi cây bắt đầu ra hoa; đem phơi khô. Trước khi dùng, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3-5 cm, sao qua.
Đảng sâm: là rễ của cây đẳng sâm. Ngoài loài (Codonopsis Tangshen), hay (Codonopsis pilosula) phải nhập khẩu, còn có loài đảng sâm Việt nam (Codonopsis javanica), là cây thuốc mọc hoang hay được trồng ở Sa Pa (Lào Cai), Sơn La...
Xuyên bối mẫu (Bulbus Fritillariae Cirrhosae) là tép dò khô của cây Xuyên bối mẫu - Fritillariae cirrhosa D. Don. Cây được nhập từ Trung Quốc. Xuyên bối mẫu đem rút bỏ phần vỏ, sấy khô.
Các vị thuốc còn lại là mẫu đơn bì (Paeonia sufruticosa), xích thược (Paeonia lactiflora) và cam thảo bắc (Glycyrrhiza glabra). 3 vị thuốc này chỉ cần rửa sạch, để khô se, thái phiến, sao vàng. Riêng mẫu đơn bì phải bỏ lõi.
Để tiện cho người bệnh sử dụng, có thể bào chế với một số dạng thuốc sau:
Thuốc sắc: Có thể áp dụng cho số lượng bệnh nhân không nhiều. Đem tất cả các vị thuốc trong phương cho vào dụng cụ sắc, trừ bạc hà cho sắc sau (vì có tinh dầu). Sắc 3 lần. Đổ nước cao trên mặt thuốc khoảng 3-5 cm. Đun sôi nhỏ lửa liên tục 1 giờ, gạn lấy nước sắc lần 1. Tiếp tục đổ nước như trên, sắc lần 2 và lần 3. Cho bạc hà vào lần 3 để sắc. Gộp dịch sắc của 3 lần, để lắng và lọc, chia đều 2-3 lần uống, sau bữa ăn 1 - 1, 5 giờ.
Thuốc hoàn: Áp dụng với số lượng bệnh nhân đông hơn. Vì thuốc hoàn tiện lợi hơn, dễ vận chuyển, dễ phân liều, dễ uống, dễ bảo quản hơn.
Đem các vị thuốc có bản chất cấu trúc rắn chắc, như mẫu đơn bì, xích thược, cam thảo, hoặc thể chất dai, dẻo, như sinh địa, huyền sâm, đảng sâm, mạch môn nấu cao lỏng. Cho các vị thuốc vào dụng cụ nấu cao, đổ nước sạch trên mặt thuốc 10 - 15cm. Bên trên có phên nén để các vị thuốc khỏi bồng lên khi sôi. Nấu 2 lần, mỗi lần đun sôi 2 giờ liên tục. Gộp dịch chiết, để lắng và lọc, cô thành dạng cao đặc.
Những vị thuốc có cấu trúc xốp, giòn, dễ thái dễ tán như xuyên bối mẫu, bạc hà đem tán thành bột mịn, trộn đều vào cao đặc nói trên, sấy khô tán mịn, rây, thêm mật ong luyện, làm thành hoàn mật 3g.
Siro: Trước hết cũng bào chế ở một số công đoạn như nấu cao bào chế thuốc hoàn ở trên. Riêng vị bạc hà cho vào nấu ở nước thứ hai, khi còn 45 phút cuối, mới cho vào. Gộp dịch chiết, để lắng và lọc, cô thành dạng cao lỏng với tỷ lệ 1:1. Thêm đường và chất bảo quản và đóng chai.
Chú ý: Khi uống phương thuốc trên, bệnh nhân cần kiêng ăn uống những thức ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, rượu, nước có gas; không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165058 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66919 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 45912 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36474 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30539 lượt xem )