Gia đình Phúc Hưng tham quan Bảo tàng lịch sử Quốc gia
Không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn là nơi lưu trữ hiện vật lịch sử hàng đầu của Việt Nam, một cuốn sách khổng lồ kể lại các câu chuyện lịch sử đầy đủ, chi tiết, sống động nhất. Tham quan bảo tàng lịch sử quốc gia, thành viên trong gia đình Phúc Hưng được “tận mắt cảm nhận” một hành trình dài của dân tộc Việt được thu lại qua không gian trưng bày của bảo tàng, thấy rõ hơn vẻ đẹp của đất nước, cũng như thêm tự hào về cội nguồn dân tộc.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là tên gọi sau khi đã sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành lập năm 1958, và Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam – thành lập năm 1959.
Trên cơ sở kế thừa khối di sản của hai bảo tàng đã có bề dày hơn 50 năm phát triển, Bảo tàng hiện đang lưu giữ, bảo quản một khối lượng tài sản vô giá với trên 200.000 tài liệu, hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu có niên đại kéo dài từ thời nguyên thủy đến ngày nay. Trong đó, gần 8.000 tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị, độc bản và quý hiếm, nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia được lựa chọn trưng bày trên tổng diện tích 3.700m2 tại hai địa điểm: số 1 Tràng Tiền (giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến triều Nguyễn năm 1945) và số 216 Trần Quang Khải (giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia địa chỉ số 1 Tràng Tiền là nơi lưu giữ hiện vật, tư liệu từ thời Tiền sử đến triều Nguyễn năm 1945. Công trình được xây dựng bởi người Pháp từ năm 1926 với sự giao thoa giữa nét kiến trúc phương Đông và phương Tây. Hiện tại, hệ thống trưng bày tại bảo tàng gồm các thời kỳ:
- Việt Nam thời kỳ Tiền sử
Những dấu tích cho thấy sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ Việt Nam, từ miền núi, trung du, đồng bằng đến vùng hải đảo… Những dấu tích bao gồm răng người vượn, công cụ lao động, di cốt hóa thạch động vật. Tiếp theo đó là bước tiến mới của con người ở thời kỳ đồ đá mới với sự phát triển của kỹ thuật mài công cụ đá, đồ gốm cùng nông nghiệp sơ khai.
- Việt Nam thời kỳ dựng nước
Người dân Việt Nam sớm đã nắm được kỹ thuật luyện và đúc đồng, làm sắt, được áp dụng vào việc chế tạo công cụ lao động, đồ trang sức, vũ khí… Đến khoảng giữa thiên niên kỷ thứ I TCN, trên lãnh thổ Việt Nam thời bấy giờ đã hình thành 3 trung tâm văn hoá, là nền tảng cho 3 quốc gia cổ đại hình thành và phát triển rực rỡ sau này: văn hoá Đông Sơn (nhà nước Văn Lang, Âu Lạc); văn hóa Đồng Nai, Óc Eo (vương quốc Phù Nam); văn hoá Sa Huỳnh (vương quốc Champa).
- Việt Nam sau Công Nguyên từ TK I-X
Năm 111 TCN, nước ta bị đô hộ bởi các triều đại phong kiến phương Bắc với chính sách đồng hoá văn hoá sau khi nhà Hán tiến đánh Nam Việt. Cho đến năm 938, chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc với các triều đại: triều Ngô - Đinh - Tiền Lê (938 - 1009); triều Lý - Trần (1009 - 1400); triều Hồ (1400 - 1407); triều Lê - Mạc (1428 - 1788); triều Tây Sơn (1778 - 1802); triều Nguyễn (1802 - 1945).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại địa chỉ số 216 Trần Quang Khải là nơi lưu giữ hiện vật, tư liệu lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Ban đầu, nơi này là trụ sở của Sở Thương chính Đông Dương, đến năm 1954 mới được cải tạo để làm bảo tàng. Nội dung trưng bày gồm có:
- Các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ năm 1858 – 1945
- 30 năm kháng chiến chống các thế lực xâm lược từ năm 1945 – 1975
- Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh từ năm 1976 đến nay
Mỗi tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật trưng bày đều là những di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, những tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mỗi thành viên Phúc Hưng có cơ hội được hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thêm trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc, biết ơn tổ tiên, nguồn cội.
Đông dược Phúc Hưng - Thuốc Nam của Người Việt
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165166 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 67017 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46514 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36544 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30946 lượt xem )