Triết học Phương Đông ứng dụng trong Đông Y

Gửi lúc 15:12' 06/05/2013

I. Học thuyết âm dương

1.  Khái niệm về học thuyết âm dương

Học thuyết âm dương là một bộ phận trọng yếu trong y học cổ truyền.

Người xưa nhận thấy sự vật trong thiên nhiên luôn luôn có sự mâu thuẫn, đối lập và thống nhất với nhau, không ngừng vận động đễ phát sinh phát triển và tiêu vong như: sáng tối, ngày đêm, trời đất, nóng lạnh, nước lửa . v.v..gọi là âm dương.

Trong y học cổ truyền học  thuyết âm dương quán triệt từ đầu đến cuối, từ đơn giản đến phức tạp trong suốt quá trình sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán điều trị và bào chế đông dược.

2. Các quy luật cơ bản của học thuyết âm dương:

a.  Âm dương đối lập: là sự mâu thuẫn giữa hai mặt âm dương như: ngày đêm, ngủ thức, nước lửa, lạnh nóng, hưng phấn và ức chế.

b. Âm dương hổ căn: là sự nương tựa vào nhau giữa hai mặt âm dương như : trong âm có dương, trong dương có âm.

c. Âm dương tiêu trưởng: là quá trình vận động không ngừng của âm dươngmọi sự vật sinh ra, lớn lên, già  cỗi, mất đi rồi lại sinh ra.

d.Âm dương bình hành: là sự thăng bằng giữa hai mặt đối lập.

Bốn mặt trên của sự vật nói lên các qui luật, mâu thuẫn nhưng thống nhất, thăng bằng nhưng vận động không ngừng, nương tựa nhưng chế ước lẫn nhau trong quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong.

Người xưa tượng trưng học thuyết âm dương bằng hình vẽ như sau :



      


 3.  Ứng dụng học thuyết âm dương vào trong y học cổ truyền

 

Âm Tạng Huyết Dinh Bụng Hàn Trái Thủy Lương
Dương Phủ Khí Vệ Lưng Nhiệt Thực Biểu Phải Hỏa Ôn

Bệnh tật sinh ra do sự mất thăng bằng  về âm dương, biểu hiện dương thắng, âm thắng, dương hư, âm hư. Ðiều trị bệnh là điều hoà lại âm dương. Trong chẩn đoán người ta nương tựa vào các cương lĩnh để xác định bệnh trong hay ngoài (biểu lý) nóng hay lạnh (hàn nhiệt) suy sụp hay hưng thịnh (hư thực) mô tả trạng thái và xu thế chung của bệnh tật thuộc âm hay dương để dùng thuốc âm hay thuốc dương mà điều trị cho thích hợp.

II. Học thuyết ngũ hành


1. Khái niệm về học thuyết ngũ hành

Học thuyết ngũ hành là học thuyết âm  dương được  liên hệ một cách cụ thể hơn trong việc quan sát, quy nạp sự liên quan của các sự vật.

Trong y học người xưa vận dụng ngũ hành để phân tích sự tương quan trong các hoạt sinh lý. Ngoài ra còn dùng để tìm tác dụng của thuốc để áp dụng vào việc bào chế.

 

2. Nội dung của thuyết ngũ hành

 Người xưa cho rằng trong thiên nhiên có năm loại vật chất chính đó là: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thuỷ (nước), Hoả (lửa), Thổ (đất).

Mọi hiện tượng trong tự nhiên được xếp theo năm loại vật chất trên gọi là ngũ hành.

 

3.  Bảng quy nạp thiên nhiên và con người theo ngũ hành

Ngũ hành Mộc
Hỏa
Thổ
Kim
Thủy
Vật chất
Gỗ Lửa Đất Kim loại Nước
Màu sắc
Xanh Đỏ Vàng Trắng Đen
Ngũ vị
Chua Đắng Ngọt Cay Mặn
Thời tiết
Xuân Hạ Tứ Quý Thu Đồng
Phương hướng
Đông Nam T.Ương Tây Bắc
Ngũ tạng
Can Tâm Tỳ Phế Thận
Lục phủ
Đởm T.Trường Vị Đ. Trường B. Quang
Ngũ thể
Cân Mạch Nhục Bì phu Cốt
Ngũ quan
Mắt Lưỡi Miệng Mũi Tai
Tình chí
Giần Mừng Lo nghĩ Buồn Sợ

Trong điều kiện bình thường, thiên nhiên, vật chất và con người có liên quan mật thiết với nhau, tác động nhau chuyển biến không ngừng bằng thúc đẩy nhau (tương sinh) hoặc chế ước lẫn nhau (tương khắc) để giữ được mối thăng bằng âm dương.

4. Các quy luật hoạt động của ngũ hành

a. Qui luật tương sinh :


Mộc sinh Hoả      =     Can sinh Tâm
Hoả sinh Thổ       =     Tâm sinh Tỳ
Thổ sinh Kim       =    Tỳ sinh Phế
Kim sinh Thuỷ     =     Phế sinh Thận
Thuỷ sinh Mộc    =    Thận sinh Can.

b. Qui luật tương khắc :

 Mộc khắc Thổ     =    Can khắc Tỳ
Thổ khắc Thuỷ    =    Tỳ khắc Thận
Thuỷ khắc Hoả    =   Thận khắc Tâm
Hoả khắc Kim     =    Tâm khắc Phế
Kim khắc Mộc   =    Phế khắc Can

5.  Ứng dụng thuyết ngũ hành vào trong y học

Ðể xác định vị trí của một bệnh lý sinh ra từ tạng phủ nào, mà tìm cách điều trị cho thích hợp, người xưa qui định có thể do một trong năm vị trí sau đây :

Chính tà : do bản thân tạng ấy có bệnh

Hư tà  : do tạng trước không sinh được nó

Thực tà : do tạng sau nó đưa đến

Vi tà : do tạng khắc nó quá mạnh

Tặc tà : do nó không khắc được tạng khác.

Trong điều kiện bất thường về bệnh lý, có nhiều tạng phủ quá mạnh hay quá yếu sẽ xảy ra hiện tượng khắc quá mạnh (tương thừa) hay chống lại cái khắc mình (tương vũ) Ðông y dùng qui luật tương thừa hay  hay tương vũ để giải thích một số cơ chế sinh bệnh và áp dụng điều trị.

III.  Học thuyết thiên nhiên hợp nhất

1 Khái niệm về học thuyết thiên nhiên hợp nhất


Học thuyết thiên nhân hợp nhất, nói lên giữa con người và hoàn cảnh thiên nhiên xã hội luôn luôn mâu thuẫn nhưng thống nhất, con người luôn luôn chủ động thích ứng với thiên nhiên để sinh tồn, phát triển.

Thí dụ :

                  Trời đất có sáng tối, con người có thức ngũ.

                  Trời lạnh người co giữ ấm, trời nóng người đổ mồ hôi giải nhiệt.

                  Trời có sáu khí : phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả.

                  Ðất có ngũ hành : kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.

                  Người có ngũ tạng ứng với đất, lục phủ ứng với trời và thích nghi theo từng thời tiết bốn mùa.
 

2. Ứng dụng học thuyết thiên nhiên hợp nhất vào y học

Học thuyết thiên nhân hợp nhất là nội dung của phương pháp phòng bệnh trong y học cổ truyền, nắm được nguyên lý của học thuyết sẽ giúp cho con người :

- Cải taọ thiên nhiên bắt thiên nhiên phuc vụ đời sống.

- Chủ động rèn luyện sức khoẻ.

 - Cải tạo tập quán củ, gìn giữ mỹ tục.

- Rèn luyện ý chí chống dục vọng cá nhân.

- Ăn tốt, mặc ấm, giữ vệ sinh cá nhân và hoàn cảnh.

- Ðiều độ về ăn uống, sinh hoạt, lao động, tình dục. v..v.

IV. Kết luận

Từ 3 học thuyết âm dương, ngũ hành, thiên nhân hợp nhất. Y học cổ truyền đi đến một quan niệm toàn diện và thống nhất chỉnh thể trong phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh tật.

Người thầy thuốc phải thấy con người ở thể thống nhất toàn vẹn giữa các chức phận, giữa tinh thần và vật chất, giữa cá nhân và hoàn cảnh chung quanh để đi đến các vấn đề

- Phòng bệnh sống lâu.

- Chữa người có bệnh chứ không phải chữa bệnh.

- Nâng cao chính khí con người là chính để thắng được mọi bệnh tật. 

St