Tâm lắng nghe

Gửi lúc 11:38' 24/08/2020

Cuộc sống hiện tại có quá nhiều áp lực, công việc bộn bề với những điều không được hài lòng, vừa ý, nên ta dễ dàng mất bình tĩnh mà không làm chủ được bản thân, nhất là khi mình bị những mất mát, đau thương bất ngờ về vật chất lẫn tinh thần. Trong những lúc như vậy, tâm ta rối bời, hoảng loạn, mất sự định tĩnh, mơ ước và khát khao có một người bên cạnh để sẻ chia, nâng đỡ. Dù người đó chẳng giúp được gì nhiều, nhưng chỉ cần họ bên cạnh, LẮNG NGHE chân thành cũng làm cho ta vơi bớt nỗi đau bất hạnh.

Lắng nghe trong đạo Phật là một hạnh tu. Đức Quán Thế Âm (cũng gọi là Quan Thế Âm hay Quán Âm, Quan Âm) là vị Bồ-tát hiện thân của tâm từ bi rộng lớn, luôn quán chiếu và lắng nghe âm thanh của thế gian để giúp chúng sinh thoát khỏi các khổ ách. Lắng nghe là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống nhân sinh.

Lắng nghe để nhận biết thế giới sự vật hiện tượng, những biểu hiện muôn hình vạn trạng trong cuộc đời này là duyên sinh, luôn biến động và không  có gì vững chắc. Nhận biết như thế để tỉnh giác, không bám víu vào bất cứ đâu, không bám víu vào danh lợi, cả sự thất bại lẫn niềm vinh quang, tự tại trong các ràng buộc và tương quan duyên sinh giữa cuộc đời này.

Lắng nghe để thấu hiểu cuộc đời, kết nối truyền thông, nhận biết những nơi cần giúp đỡ để có động thái kịp thời và phù hợp, đem đến niềm vui, sự an lạc và hạnh phúc cho tha nhân, lợi ích cho cộng đồng.

Lắng nghe giúp chúng ta kiểm soát bản thân, kiểm soát hành vi để trước hết giảm thiểu những khổ đau, ách nạn cho mình, đồng thời tránh tối đa sự gây não hại, đem lại khổ đau cho người khác.

Như vị thầy thuốc trước khi bắt mạch, kê toa phải luôn lắng nghe lời trình bày và quan sát sắc diện của bệnh nhân. Nhờ biết lắng nghe như vậy, sau khi bắt mạch, vị thầy một mặt trị thân bệnh và đồng thời an ủi người bệnh để trị tâm bệnh, tránh nỗi lo lắng, sợ hãi của bệnh nhân.

Chữ lắng nghe ở đây là lắng lặng tâm tư, lắng lòng trong yên tĩnh, không dao động, nhờ vậy mà tất cả mọi tâm tư vội vã, buồn bực, giận dữ không làm bản thân mất đi sự bình tĩnh, an nhiên vốn có. Dành trọn vẹn phút giây của hiện tại, thân tâm của hiện tại để lắng nghe, như vậy mới thấu suốt được nguồn tâm của người mà giúp họ an tâm, bình thản trước mọi biến động của cuộc đời.

 

 

Chúng ta lắng nghe, tức là sự yên lặng sâu sắc của trái tim hiểu biết mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã trao cho mình. Ta nghe thật sâu vào từng nhịp thở, từng nhịp đập của trái tim mình trước hết,  ta phải hiểu thấu chính mình, thì mới có thể lắng nghe được người đối diện. Chuẩn bị cái tâm cho tốt để có thể lắng nghe và thấu cảm. Ví như việc khi ta đi chùa tụng kinh, nghe pháp đều xuất phát vì sự hiếu kỳ, bởi những lời đồn đại linh ứng, thì có muốn lắng nghe cũng không ngộ, không thấm được. Khi nghe lời Phật dạy với tâm sáng suốt, tiếp nhận những điều hay lẽ phải, nhờ vậy mình mới biết cách chữa lành bệnh cho bản thân và cứu chữa bệnh cho người khác.

Tóm lại, chúng ta muốn tu theo hạnh từ bi và trí tuệ thì chỉ cần im lặng lắng nghe, đừng vội can thiệp hay phán xét trước khi thấu hiểu hết mọi nhẽ, hãy để mọi thứ sâu lắng trong từng trái tim và thớ thịt của mình, giữ mình trong sạch, sau đó mở rộng tấm lòng từ bi mà chia vui, sớt khổ, mang trái tim hiểu biết để cầu cho an vui hạnh phúc đến với những người xung quanh.