Phật giáo và Y học

Gửi lúc 14:55' 06/05/2013

Phật giáo và Y học

Riêng về phương diện thuật ngữ y học, trong kinh Phật có hơn 4.600 thuật ngữ, có danh từ về giải phẫu sinh lý, kinh lạc phủ tạng, có cả y liệu, dược học, tâm lý, tên bệnh, y sự tạp luận…

Có một câu chuyện về thái tử Tất Đạt Đa “nửa đêm vượt thành”. Chuyện kể rằng Tất Đạt Đa ở trong thâm cung với cuộc sống giàu sang, cảm thấy chán nản bèn ra ngoài thành dạo chơi. Lần thứ nhất xuất du, Ngài thấy một người già, Tất Đạt Đa rất phiền não, đánh ngựa về cung. Lần thứ hai Ngài thấy một người bệnh. Lần thứ ba Ngài thấy một người chết. Lần thứ tư Ngài thấy một vị Tăng khổ hạnh. Bốn người này đều là thiên thần biến ra để điểm hóa cho Ngài. Bốn lần ra ngoài này mới đủ để cho Ngài quyết định xuất gia tìm chân lý tối thượng giải thoát khổ não của sinh lão bệnh tử.

Một đêm nọ, Ngài gọi người phu ngựa của mình theo, cưỡi trên con ngựa trắng yêu quý, bỏ hoàng cung mà đi. Nhưng cửa thành đóng chặt không thể đi, liền đó có bốn đại thiên vương nâng bốn chân con ngựa lên để Ngài và ngựa vượt khỏi tường thành. Phật giáo cho nhân sinh là bể khổ, đại thiên thế giơi chỉ là nơi hội tụ của thống khổ, người sống ở đời, sinh lão bệnh tử là một quá trình không dứt của thống khổ (mặc dù đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên). Cho nên Phật giáo hướng con người siêu thoát thế tục, không để đau khổ ràng buộc, lấy tâm an tĩnh cầu cảnh giới tự tại.

Bệnh tật là nỗi “khổ” nhất của con người, nó trực tiếp giày vò thân tâm con người, nên cứu người trước tiên phải cứu nỗi khổ của họ, trước tiên phải làm cho con người thoát khỏi nỗi khổ của bệnh tật, vì vậy Phật giáo có nói “Cứu một mạng người hơn là tạo bảy cấp phù đồ”. Tín đồ Phật giáo thông qua trị bệnh phổ cập tri thức y học và truyền bá học thuyết Phật giáo, thâu nạp môn đồ, đồng thời cũng khiến cho y học Phật giáo qua thực tiễn được phát triển và nâng cao.


Y phương minh và Trung y

Trong “Ngũ minh” mà giáo đồ Phật giáo học có “Y phương minh” là tri thức y học. “Y phương minh” có hệ thống lý luận riêng, có tác dụng chỉ đạo nhất định đối với vấn đề trị bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Từ thời Tam Quốc Ngụy Minh đế, hai vị Hòa thượng Ấn Độ là Nhương Na Bạt Đà La và Da Xá Quật Đa đã dịch “Ngũ minh luân” trong đó có “Ngũ phương minh”. Theo ghi chép trong “Khai nguyên lục” thì từ cuối đời Hán đến Ngụy Tấn Nam Bắc triều, sách Phật dịch có đến 1.621 bộ, 4.180 quyển, trong đó có nội dung y học khá nhiều. Theo “Tùy thư - Kinh Tịch Chí” thì đương thời sách y học Phật giáo dịch từ Ấn Độ có hơn 10 loại, như “Long Thọ Bồ tát dược phương”, “Tây Vực chư tiên sở thuyết dược phương”, “Bà la môn chư tiên dược phương”, “Thích Tăng y châm cứu kinh”… Trong đó “Đại tạng kinh” là tập đại thành của kinh điển Phật giáo. Theo giới thiệu của Lý Lương Tùng và Quách Hồng Thọ trong “Trung Quốc truyền thống văn hóa dữ y học” thì trong “Đại tạng kinh” có khoảng 400 bộ chuyên luận về y lý, có vệ sinh y dược, bệnh về sinh lý, bệnh tâm lý, ma thuật, tu tâm dưỡng tánh… nội dung vô cùng phong phú. Không ít sách y, phương thuốc xuất phát từ hai vị đại sư của Phật giáo Đại thừa là Long Thọ và Kỳ Bà đến nay vẫn còn lưu truyền và vận dụng rộng rãi.

Riêng về phương diện thuật ngữ y học, trong kinh Phật có hơn 4.600 thuật ngữ, có danh từ về giải phẫu sinh lý, kinh lạc phủ tạng, có cả y liệu, dược học, tâm lý, tên bệnh, y sự tạp luận…

Tổng hợp tư liệu có liên quan, xin kể ra một số y thư Phật giáo sau đây: “Phật thuyết Bà la môn tỵ tử kinh”, “Phật thuyết nại nữ kỳ vức nhân duyên kinh”, “Phật thuyết nại nữ bà kinh”, “Phật thuyết Phật y kinh”, “Phật thuyết bào thai kinh”, “Phật thuyết Phật trị thân kinh”, “Phật thuyết hoạt ý kinh”, “Phật thuyết phù tiểu nhi kinh”, “Thần mật yếu pháp kinh”, “Tọa thiền tam muội pháp môn kinh”, “Dịch cân kinh”, “Mạn Thù Sư Lợi Bồ tát phù tạng trung nhất tự phù vương kinh”, “Kim cương Dược xoa sân nộ vương tức tai đại uy thần nghiệm niệm tụng nghi quỹ”, “Trừ nhất thiết tật bệnh Đà La Ni kinh”, “Tu tập chỉ quán tọa thiền kinh”, “Đại trí độ luận”, “Ma Ha chỉ quán”, “Lục diệu pháp yếu”, “Ca Diếp tiên nhân thuyết y nữ nhân kinh”, “Diên thọ kinh”, “Ngũ môn thiền kinh yếu dụng pháp”, “Kỳ Bà mạch kinh”, “Long Thọ nhãn luận”, “Ngũ phương minh”... Những kinh điển này của Phật giáo có sự ảnh hưởng và hấp thụ hỗ tương với lý luận Trung y. Phật giáo cho rằng thân thể con người là do “tứ đại” cấu thành. “Địa thủy hỏa phong âm dương khí hậu dĩ thành nhân thân bát xích chi thể”. Do đó, căn nguyên của mọi bệnh tật là do “tứ đại” không điều hòa. “Thứ nhất địa tăng mạnh khiến cho thân thể nặng nhọc, thứ nhì là thủy chứa nhiều chảy nước mắt nước mũi, thứ ba là hỏa thịnh khiến cho đầu nóng ran, thứ tư là phong động mạnh khiến cho khí ngưng khó thở”. Quan điểm này có chỗ tương đồng với quan điểm y học Trung y với thuyết “Âm dương ngũ hành”, “Âm dương chuyển hóa” và “Âm dương tiêu trưởng”. Âm dương bình hòa thì người khỏe mạnh, nếu mất sự bình hòa thì sẽ bị bệnh. Đồng thời trong thân thể, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ có quan hệ chặt chẽ với nhau, tương sinh tương khắc rất có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ở phương diện ký sinh trùng học, y học Phật giáo cũng có phát hiện độc đáo. Theo “Thiền bệnh pháp yếu kinh” và “Chánh pháp niệm xứ kinh” thì nhân thể là tổ vi trùng, trùng trong người có khoảng 80 loại, lại nói cụ thể cả tên từng loại, miêu tả trạng thái… rất phù hợp với quan điểm của y học hiện đại về ký sinh trùng. Ký sinh trùng học hiện đại cũng phát hiện trong cơ thể người có ty trùng, cấu trùng, tiên trùng… Như vậy, có thể thấy kinh Phật nói không phải là hư huyễn.

Trong “Tu hành đạo địa kinh” lại có nghiên cứu về bào thai người. “Thai thành 7 ngày, lúc đầu không tăng giảm, 14 ngày như màng sữa mỏng… 49 ngày như thịt ngưng…” miêu tả rất tỉ mỉ quá trình tạo thành thai nhi trong bụng mẹ, phù hợp với y học hiện đại. Đặc biệt là Tiểu thừa Phật giáo lưu hành thời Hán mạt và Tam Quốc đã trực tiếp hấp thụ lý luận “Nguyên khí thuyết” và “Âm dương ngũ hành thuyết” để giải thích về nguyên nhân bệnh tật. Hai thuyết này cho rằng “nguyên khí” phối hợp tốt thì tâm thần bình hòa, không bị các loại phiền não và dục vọng quấy nhiễu. Ngược lại, nếu “nguyên khí” phối hợp không tốt thì âm dương ngũ hành rối loạn, mất đi sự bình hòa, muôn vàn bệnh tật phát sinh.

Học thuyết “Tứ đại” của Phật giáo cũng được Trung y trực tiếp hấp thụ. Trong “Chư bệnh nguyên lưu luận” của Sào Nguyên Phương đời Tùy viết rằng: “Phàm bệnh phong có 404 chứng, nói gọn lại thì không ngoài 5 loại là 6 tạng nhiếp thụ, một là hoàng phong, hai là thanh phong, ba là xích phong, bốn là bạch phong, năm là hắc phong… gọi ngũ phong, sinh năm loại trùng có thể hại người”. Trong “Thiên kim phương” của Tôn Tư Mạo cũng viết: “Phàm tứ khí hợp đức, tứ thần an hòa, nhất khí không điều hòa thì trăm bệnh sinh, tử thần thất điều thì 404 bệnh cùng phát”.

“Đại trí độ luận” cho rằng bệnh có “ngoại duyên” và “nội duyên” là hai nhân tố chính. “Ngoại duyên” cũng là điều kiện ngoại tại như bị nóng, lạnh, đói, khát, thương tích… “Nội duyên” là điều kiện nội tại như túng dục, tham sắc, giận dữ, lo sợ, suy nghĩ… “Ma Ha chỉ quán” cho rằng tham luyến ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc thì sẽ sinh bệnh, mê đắm sắc cảnh sinh bệnh ban, tham hưởng thanh âm sinh bệnh thận, tham hưởng hương khí sinh bệnh phổi, tham lam khẩu vị sinh bệnh tim, tham lam xúc giác sinh bệnh tỳ. Những điều này phù hợp với “Tạng tượng học thuyết” của Trung y.

Y học Phật giáo cho rằng đối với chứng bệnh không giống nhau thì có phương pháp chữa trị không giống nhau, “Thân bẩm thọ tứ đại, tính cách bất đồng do đó trị bệnh cũng không phải chỉ một cách”. “Ma Ha chỉ quán” cũng nói “trị bệnh phải đối chứng hạ dược mới mau bớt bệnh”. Người thầy thuốc trước hết phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân phát bệnh, chẩn đoán càng chính xác thì khả năng trị bệnh càng hiệu quả, khả năng bớt bệnh càng cao, điều này tương ứng với nguyên tắc biện chứng của Trung y là “đồng bệnh dị trị”, “dị bệnh đồng trị” (tức cùng bệnh mà trị khác nhau, khác bệnh mà trị giống nhau). Trong “Trung Quốc y học sử” Trần Bang Hiền cho rằng: Xét sự biến thiên của y học Đường, Tống, thực chất là đặt cơ bản trên Phật giáo Ấn Độ.

Phật pháp và phân loại bệnh tật

Phật giáo chia bệnh tật ra 404 loại, 101 loại lại phân ra hai bộ phận lớn là “Tâm bệnh” và “Thân bệnh”. “Tâm bệnh” là chỉ những sự phiền não trong nội tâm như tham chấp, lo sợ, ưu sầu, thù hận… Có thể nói, Phật giáo nghiêng về tâm bệnh - gốc của vô minh phiền não. Trong “Giáo thừa pháp số” có nói, phiền não của chúng sinh có thể quy nạp vào 8 vạn bốn ngàn loại, chúng có thể chưng lọc thành 3 loại phiền não “Tham, sân, si”. Do đó Đức Thích Ca lấy việc trị tâm bệnh của chúng sinh làm trách nhiệm của mình. (Xem “Tâm lý bảo kiện thiên”).

“Thân bệnh” là chỉ sự đau nhức thân thể, cơ nhục, gân cốt, thần kinh, lục phủ, ngũ tạng không điều hòa, gọi là “Tứ đại ngũ tạng bệnh tướng”. “Ngũ phương minh” của Phật giáo chủ yếu nhằm vào kỹ thuật trị liệu chữa bệnh. Trong “Hoa Nghiêm kinh, Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm” có nói 10 Đại hạnh nguyện, trong đó “Hằng thuận chúng sinh nguyện” nói rằng: “Ở các bệnh khổ thì nguyện làm lương y”. Dược Sư Phật, Dược Vương, Dược Thượng Bồ tát, Long Thọ Bồ tát đều là giới y dược trị thân bệnh mà đắc danh.

Sự phân loại bệnh tật của Phật giáo phù hợp với mô thức y học hiện đại. Y học hiện đại cho rằng sức khỏe của con người bao gồm hai phương diện là thân thể khỏe mạnh và tâm lý khỏe mạnh (tinh thần). Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “sức khỏe” không phải chỉ là cơ thể không bị bệnh tật hay khiếm khuyết mà còn phải có trạng thái tâm sinh lý hoàn chỉnh và năng lực thích ứng với xã hội. Phật giáo cho rằng căn (sinh lý), trần (hoàn cảnh xã hội) và thức (tâm lý) là 3 duyên hòa hợp với nhau hỗ tương ảnh hưởng và hỗ tương tác dụng. Do đó tâm khởi phiền não ác nghiệp thì không chỉ là biểu hiện của tâm bệnh mà còn có thể dẫn đến “thân bệnh”. Trong “Chánh pháp niệm xứ kinh quán thiên phẩm” có nói: “Tâm thanh tịnh thì huyết thanh tịnh, huyết thanh tịnh thì nhan sắc (mặt) thanh tịnh”. Có thể nói Phật giáo đã đưa ra sự liên hệ chặt chẽ giữa tâm lý, hành vi của con người với sinh lý, bệnh tật cho đến cả cá nhân con người và xã hội, chỉ cho chúng sinh con đường thoát ly mọi thống khổ của tâm bệnh, thân bệnh, từ đó mà đạt đến cảnh giới Niết bàn an lạc vĩnh hằng.
 
Phật pháp đối trị bệnh tật

Lý luận căn bản của Phật giáo về vấn đề cứu khổ chúng sinh đã đưa ra phương pháp đối trị về tâm bệnh và thân bệnh. Từ góc độ y học hiện đại mà xét thì các phép tu trì theo Bát chánh đạo, Tam học, Lục độ… đều là những phương cách hữu hiệu chữa trị thân tâm, những phép tu trì ấy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe thân tâm, kiện toàn nhân cách.

Phật giáo đưa ra phép trị liệu tương ứng đối với bệnh tâm lý, như “Giáo thừa pháp số” cho rằng “Có 8 vạn 4 ngàn trần lao thì có 8 vạn 4 ngàn pháp môn đối trị” (phép chữa trị). “Đại thừa nghĩa chương” thì đưa ra 6 phương pháp đối trị là Bất tịnh quán, Từ bi quán, Nhân duyên quán, Sở tức quán, Niệm Phật quán, Không quán, phương pháp cụ thể tương tự như liệu pháp trị thân tâm bệnh hiện đại. Phật giáo còn cho rằng sức mạnh của tâm linh có thể phát sinh hiệu quả trị bệnh, lại vận dụng phép tu định chuyên chú tâm ở bộ vị cụ thể mà khởi tác dụng trị liệu, điều này có chỗ rất giống với lý luận khí công. Ngoài ra, các hình thức khác trong sinh hoạt hàng ngày như lễ bái, tụng niệm, tọa thiền… cũng đều có tác dụng phòng trị bệnh tật.

a) Lễ bái: Đây là một trong các phương pháp tu trì của tín đồ Phật giáo. Lúc cúi đầu lễ bái, co gập thân mình khiến cho toàn thân vận động, tinh thần tập trung, động tác chậm rãi có thể làm cho khí huyết lưu thông, tinh thần bình hòa không nóng vội. Lúc lễ bái tâm ý thành tín rất có tác dụng với việc phòng trị bệnh, gìn giữ sức khỏe cơ thể.

b) Sám hối: Bệnh tật trong thân tâm con người thường là do sự bất lương trong ý thức nội tâm dẫn đến, đặc biệt là khi người ta làm trái với đạo lý xã hội, hành vi đạo đức sai trái thì gánh nặng tâm lý càng thêm trầm trọng. Sám hối là tưởng tượng trước mặt là chư Phật, Bồ tát, thành khẩn hối lỗi khiến cho gánh nặng tinh thần được vơi đi. Trong “Quán Phổ Hiền hành pháp kinh” nói rằng: “Nếu muốn sám hối thì ngồi ngay ngắn niệm thực tướng, mọi tội lỗi như sương móc, tuệ nhật có thể tiêu trừ”. Đây rõ ràng có lợi cho việc trị liệu bệnh tật thân tâm.

c) Xướng tụng: Lúc tín đồ Phật giáo tụng kinh thì mọi ý niệm đều bỏ, chân thành kính ý, phối hợp với âm thanh của nhạc khí như chuông, mõ, trống theo tiết tấu trầm bổng trong không khí trang nghiêm của Phật đường có hiệu quả rất tốt cho việc trị liệu bệnh thân tâm, điều này phù hợp với quan niệm y học hiện đại (như liệu pháp thư giãn, liệu pháp thôi miên). “Ma Ha chỉ quán” còn đưa ra cách trị bệnh phải đối chứng hạ dược thì mới mau bớt bệnh, đồng thời phải chẩn đoán chính xác bệnh tình và nguyên nhân bệnh, am hiểu và phân biệt các chứng trạng khác nhau của bệnh tật, như thế thì hiệu quả trị bệnh càng lớn. Khi trị các chứng bệnh trong thân thể, Phật giáo có nhiều phương pháp đối trị như: dược thạch châm cứu, thực vật thiên nhiên, vận động dưỡng sinh (như Yoga, Thái cực quyền, võ thuật), án ma, tu định công, tu quán tưởng… Những phương pháp và nguyên tắc trị liệu này có rất nhiều điểm tương đồng với lý luận Trung y. Phật giáo còn rất chú trọng đến việc chăm sóc bệnh nhân, khôi phục sức khỏe cho bệnh nhân. Trong “Tứ phần luận” ghi chép: Phật Thích Ca đã từng tự mình rửa ráy, chăm sóc cho Tỳ kheo mắc bệnh lâu ngày, lại án ma, thuyết pháp khuyên răn khiến cho người bệnh được an ủi rất lớn, do đó Phật nói: “Nếu muốn cung dưỡng Ta thì nên cung dưỡng bệnh nhân trước”. Đây tuy là biểu hiện cụ thể về lòng từ bi của Phật giáo, nhưng khách quan mà nói thì làm cho tâm lý người bệnh được nhẹ nhàng, tinh thần được an ủi, có lợi cho việc chữa trị bệnh.
Hoạt động y học của y gia Phật giáo.

Y gia Phật môn dùng y thuật tự chữa trị cho mình, lại dựa vào hành y để thâu nạp môn đồ, trong đó có nhiều người y thuật cao minh đã trở thành một lực lượng lớn trong đội ngũ y liệu cổ đại Trung Quốc. Cao tăng Vu Pháp Khai đời Tây Tấn là một y gia Phật môn lừng danh của Trung Quốc, ông trước tác “Nghị luận bị dự phương”. Chi Pháp đời Đông Tấn có viết “Thân tô phương” 5 quyển. Đời Nam Bắc triều có 7 quyển “Hàn thực giải tạp luận” của Huệ Nghĩa. Tăng Thâm có “Tăng điều dược phương” 30 quyển…
Đạo Hồng, Mạc Mãn đều có trước thuật. Trong lịch sử y gia Phật môn cũng có nhiều người cống hiến rất lớn cho sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc với nước ngoài. Như cao tăng Giám Chân đời Đường đã từng lặn lội qua Nhật Bản hành y trị bệnh truyền đạo, trước tác “Giám Chân thượng nhân mật phương”, tự hiệu đính những chỗ sai lầm trong thảo dược học Nhật Bản. Các quan viên y dược chưởng quản Nhật Bản đều theo Giám Chân học y. Giám Chân được y giới Nhật Bản suy tôn làm Tổ sư. Cho đến thời Giang Hộ (1603-1867) trên báo thảo dược vẫn còn tạo hình Giám Chân. Đương nhiên, y gia Phật môn ở nước khác cũng đến Trung Quốc. Sự giao lưu văn hóa với bên ngoài khiến cho y học Phật giáo cũng phát triển mạnh, đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của y học Trung Quốc.

Nhiều ngôi chùa nhờ chữa bệnh mà vang danh, như Trúc Lâm tự ở Triết Giang giỏi về trị phụ khoa, được mời vào cung chẩn chữa bệnh; Pháp Môn tự ở Tây An, Thiểm Tây có một tấm y bia trên đó khắc 63 phương thuốc chữa bệnh phụ khoa để “người ở xa gần biết đến, đối chứng mà uống thuốc thì bớt ngay”. Trong động đá Long Môn ở Lạc Dương tỉnh Hà Nam có “Dược Vương động”, là nơi có phương dược khắc vào đá sớm nhất, hiện nay đã chỉnh lý được 118 phương dược. Ngoài ra còn có nhiều y tăng được các vị hoàng đế ban thưởng như tăng nhân Pháp Kiến ở Lô Sơn đời Tống “y thuật lừng danh thiên hạ”, đã từng được Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn triệu kiến ban thưởng Tử Vân Bào, gọi là “Quảng Tế đạo sư”. Đời Nguyên có Hòa thượng Quyền Hành có công chữa bệnh cho hoàng hậu, được ban “Trung Thuận dược sư”, phong làm Thái Dược sư 5 tỉnh; Hòa thượng Phổ Ánh vì tinh thông y thuật được Nguyên Võ Đế phong làm Thái y, ở triều đến 12 năm.

St