Nỗi sợ
Mọi sự vật đều bị định luật vô thường chi phối, không có cái gì có thể tồn tại một cách độc lập. Lý trí chúng ta hiểu rõ như vậy, nhưng trong thực tế chúng ta khó chấp nhận điều đó. Ta vẫn muốn những người ta thương yêu và những vật ta trân quý luôn còn mãi với chúng ta. Ta sợ hãi khi cảm thấy thời gian sống của ta trôi qua từng ngày, từng phút; ta sợ hãi khi ốm đau bệnh tật bủa vây, ta sợ hãi, lo lắng một ngày nào đó nền văn minh chúng ta gây dựng có thể bị tàn phá.
Nhưng bạn à, mỗi ngày trong cơ thể ta đều có những tế bào cũ chết đi và những tế bào mới sinh ra nhưng có bao giờ chúng làm đám tang hay tổ chức sinh nhật cho chúng đâu?
Vô thường.
Chúng ta khó mà hiểu được vô thường chỉ qua ngôn từ và khái niệm. Phải để hết lòng thực tập mới hiểu được thế nào là vô thường, và mới biết chấp nhận nó.
Có hai loại vô thường, sát na vô thường (impermanence in every instant) và nhất kỳ vô thường (cyclic impermanence). Sát na vô thường là sự thay đổi trong từng giây phút, trong từng sát na. Nhất kỳ vô thường là khi sự vật đến giai đoạn chót của chu kỳ sinh, trụ, hoại, diệt, ta mới thấy được sự đổi thay. Như khi ta nấu nước, nước cứ nóng lên từ từ cho đến khi nước sôi lên và bốc hơi . Khi nước sôi và bốc hơi, ta mới thấy có sự thay đổi, đó là nhất kỳ vô thường (cyclic impermanence). Còn sự đổi thay liên tục (sát na vô thường) rất khó nhận thấy nếu ta không chú ý kỹ. Cũng như một đứa bé bắt đầu lớn, trong giai đoạn đang lớn lên, có rất nhiều thay đổi nho nhỏ trong đứa bé nhưng ít khi ta chú ý tới, đến khi đứa bé lớn phỗng lên, lúc ấy ta mới thấy có sự thay đổi. Ðó gọi là nhất kỳ vô thường.
Ta phải học nhìn sâu vào nhất kỳ vô thường (cyclic change) để có thể chấp nhận những thay đổi cần thiết cho cuộc sống, để không còn bị điêu đứng vì chúng. Ta học quán sát sự thay đổi trong tự thân của ta, nơi những vật quanh ta, nơi những người ta thương yêu, nơi cả những người gây khổ đau cho ta.
Nếu không biết nhìn sâu vào những thay đổi đó, ta có thể nghĩ rằng vô thường là khía cạnh tiêu cực của đời sống, bởi vì vô thường lấy đi của ta những thứ ta yêu quý. Nhưng nếu quán chiếu sâu sắc, ta sẽ thấy rằng vô thường không tiêu cực mà cũng không tích cực.
Nó là vô thường, vậy thôi!
Nơi nào không có bùn thì không có sen...
Không có vô thường thì sự sống không thể tồn tại được. Không có vô thường, làm sao chúng ta có hy vọng chuyển hóa được khổ đau của chúng ta, chuyển hóa khổ đau của những người ta thương? Không có vô thường, làm sao chúng ta có hy vọng thay đổi được những hành vi sai lầm của chúng ta đối với đất Mẹ?
Vô thường cũng có nghĩa là duyên khởi bởi vì không có một hiện tượng nào có thể tồn tại một cách độc lập, bởi vì vạn vật không ngừng biến chuyển, đổi thay. Một bông hoa luôn tiếp nhận những yếu tố không phải là hoa như nước, không khí, ánh nắng mặt trời để có thể biểu hiện thành hoa. Muốn là hoa là cả một tiến trình chuyển biến không ngừng, con người cũng vậy. Trong mỗi khoảnh khắc đều có cái đi vào và đi ra. Bông hoa không ngừng sinh và diệt, và nó liên kết chặt chẽ với mọi thứ quanh nó.
Mọi thành phần trong vũ trụ đều nương vào nhau để tồn tại. Cái này có vì cái kia có.
Ví dụ về sóng và nước giúp ta hiểu được bản chất vô ngã của mọi sự vật. Con sóng có thể lên cao và xuống thấp, sinh và diệt. Nhưng thực chất của sóng là nước thì không cao, không thấp, không sinh không diệt. Các hình tướng cao, thấp, sinh, diệt không ảnh hưởng gì đến bản chất của nước. Chúng ta dễ khóc dễ cười bởi vì chúng ta bị kẹt vào hình tướng bên ngoài, chúng ta chưa tiếp xúc được với bản chất thực của sự vật. Nếu chúng ta chỉ thấy sóng với hình tướng sinh diệt của nó, làm sao chúng ta không khổ đau. Nếu chúng ta thấy được bản chất của sóng là nước và tất cả các con sóng đều trở về với nước thì chúng ta sẽ không còn sợ hãi nữa.
“Thở vào, tôi thấy được tính vô thường. Thở ra, tôi thấy được tính vô thường.” Ta phải thực tập như thế nhiều lần. Bởi vì sự sống là vô thường. Nếu không thực tập để thấy được như vậy, ta sẽ thấy bất an. Ta phải tập sống sâu sắc trong từng giây phút để đối diện với cảm giác bất an khi chúng phát khởi.
Khi mới bắt đầu thực tập, ta vẫn còn muốn sự vật là thường. Ta nghĩ rằng sự vật có một cái ngã riêng biệt và khi sự vật thay đổi, biến mất thì ta khổ đau. Ta cho ta là một cái gì đó tồn tại độc lập ngoài những người khác, ta riêng biệt nên khi sức khỏe, tiền tài mất đi, ta khổ đau, sợ hãi, tìm cách trốn chạy.
Để giúp ta vượt thoát khổ đau, đức Phật cho ta chiếc chìa khóa Vô Thường và Vô Ngã. Nhìn sâu vào bản chất Vô Thường, Vô Ngã, ta mở tung được cánh cửa đi vào thực tại, đi tới Niết Bàn bằng con đường trung đạo.
Nhờ vậy, sợ hãi và khổ đau sẽ tan biến, và ta không còn bận tâm là mình già hay trẻ, ngay cả sống chết cũng không còn động tới ta. Ta không còn hiểu chết theo nghĩa thông thường là ta không còn hiện hữu nữa, bởi vì ta đã thấy sự sống là một dòng chuyển hóa liên tục.
Nếu ta không hiểu về Vô Thường và tìm cách chống lại nó, ta sẽ khổ đau, vì sợ hãi, giận hờn và tuyệt vọng sẽ xâm chiếm ta. Cho nên việc làm trước tiên là biết cách đối diện với những nỗi sợ hãi, tuyệt vọng trong lòng mình trước khi biết đối diện với những vấn đề môi trường, vấn đề dịch bệnh, vấn đề nhức nhối khác của xã hội.
Đức Phật dạy rất rõ về điều này, ta phải biết chăm sóc và chữa trị cho ta trước, sau đó ta mới biết cách chăm sóc và chữa trị cho người khác và cho cả đất Mẹ, cho hành tinh này. Nếu ta không nhận diện được nỗi sợ hãi đang có mặt trong ta thì nỗi sợ hãi đó sẽ tiếp tục sai sử ta. Đức Phật đã dạy ta không nên trốn tránh sự sợ hãi, mà ta nên mời chánh niệm giúp ta nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu vào nỗi sợ hãi. Thực tập được như vậy, ta sẽ nuôi lớn sự hiểu biết và khả năng chấp nhận trong ta. Ta sẽ không còn bị nỗi sợ hãi lôi kéo ta đi một cách mù quáng.
Nỗi sợ hãi về cái chết luôn luôn có mặt trong tàng thức của ta. Khi ta được tin mình phải chết, ta thường có phản ứng chống lại, không chịu chấp nhận sự thật này. Tôi đã chứng kiến nhiều người bạn thân khi được báo tin có bệnh Aids hoặc bệnh ung thư, họ quyết liệt từ chối, không muốn tin. Họ không ngừng đấu tranh với nỗi sợ hãi này trong một thời gian dài. Từ nhận thức tạo hành động, họ có những hành động trốn tránh sợ hãi một cách tiêu cực. Cho đến khi họ chịu chấp nhận sự thật thì ngay lúc đó họ có bình an. Muốn an, sẽ được an, an đến từ trong tâm, không phải từ những yếu tố bên ngoài. Không phải lời khuyên của bác sĩ này, của chuyên gia nọ có thể đem lại bình an cho người bệnh. Sự bình an đến từ bên trong. Lực, động lực thôi thúc phát sinh hành động bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài thì sẽ mang lại phiền não nhưng sức mạnh là năng lượng đến từ bên trong sẽ đem lại bình an, trí tuệ.
Khi có bình an, có sự thư giãn, ta có cơ hội điều trị cơn bệnh. Ta dùng trí tuệ để chữa lành cơn bệnh của chính ta.
Khi một con sóng được lên cao, có thể nó rất vui, và khi phải rơi xuống, có thể nó có nhiều lo lắng. Có lên thì phải có xuống, có sinh thì có diệt. Nếu con sóng biết thiền tập thì nó sẽ thấy được nó là nước, cho nên nó có thể tan biến đi một cách vui vẻ. Bởi vì là sóng thì có thể tan biến đi, là nước thì không bao giờ tan biến cả. Giáo lý của Phật giúp ta tiếp xúc được với bản chất thực của sự sống, và với tuệ giác này, ta có thể xua tan được mọi sợ hãi. Lúc ấy ta có thể mỉm cười với cái chết, không còn hoảng hốt, không còn tức giận.
Một hạt mưa vừa rơi xuống đất là biến mất. Nhưng sự thực là nó vẫn còn đó, dù nó đã thấm vào lòng đất, nó vẫn còn đó dưới một hình thức khác. Khi nó bốc hơi thì nó vẫn còn đó trong không khí dưới hình thức hơi nước. Ta không còn nhìn thấy hạt mưa nhưng không phải vì vậy mà hạt mưa không còn nữa. Đám mây cũng vậy, đám mây không bao giờ chết, đám mây chỉ thay hình đổi dạng, khi là mưa, là tuyết, là băng đá, đám mây không thể nào trở thành hư không. Chúng ta thường nghĩ rằng chết tức là từ có trở thành không. Nhờ có thiền tập, ta tiếp xúc được với tự tánh vô sinh bất diệt của mình. Trước khi biểu hiện thành mây, đám mây đã là hơi nước, là đại dương sâu. Cho nên mây không phải từ không mà trở thành có.
Sinh và diệt chỉ là ý niệm của ta. Năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác mà thôi.
Đức Phật dạy chúng ta nên tập nhìn thẳng vào những hạt giống sợ hãi thay vì tìm cách che đậy hoặc chạy trốn.
Chúng ta ai cũng có hạt giống sợ hãi.
Chúng ta sợ chết, sợ bị bỏ rơi, sợ bị bệnh tật… vì thế chúng ta luôn tìm cách để quên đi, bằng cách làm cho ta bận rộn suốt ngày, hết công việc này đến công việc khác, để quên đi nỗi sợ hãi trong ta. Nhưng một ngày nào đó chúng ta cũng bị bệnh, chúng ta cũng phải chết, phải dứt bỏ mọi thứ. Cho nên đức Phật khuyên ta không nên chạy trốn nữa, mà nên thực tập nhận diện hạt giống sợ hãi trong ta mỗi ngày.
Khi ta biết chấp nhận cái chết của mình, cũng như khi ta biết chấp nhận sự tàn hoại của nền văn minh của chúng ta thì trong lòng ta có được sự bình an. Nền văn minh này vốn cũng chỉ là một trong nhiều nền văn minh khác, một ngày nào đó nó cũng sẽ biến đi để nhường chỗ cho một nền văn minh khác ra đời. Trước đây đã có nhiều nền văn minh đã ra đời, rồi biến mất như đúng quy luật của vô thường, sinh – trụ - dị - diệt.
Khi ta biết chấp nhận thì ta không còn phản ứng một cách giận giữ và đầy tuyệt vọng. Biết chấp nhận đem đến sự bình an. Khi ta có bình an thì ta có cơ hội thay đổi chính ta và nền văn minh cũng có cơ hội được thay đổi.
Các khoa học gia có cho biết rằng ta có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để cứu sống hành tinh của chúng ta. Chúng ta có những nguồn năng lượng luôn được tái tạo (renewable energy sources) như gió, mặt trời, sóng và năng lượng địa nhiệt (geothemal power)... Thế mà chúng ta không biết xử dụng tối đa những kỹ thuật tân tiến này. Ta cứ để mình rơi vào tuyệt vọng, giận hờn, kỳ thị, phân chia, cho nên ta mất sự bình an, không còn đủ tỉnh giác. Ta cứ làm mình bận rộn suốt ngày, không cho mình chút thì giờ để nhìn lại, để cùng người khác cộng tác.
Đạo Phật đã hiến tặng cho ta tuệ giác Vô Thường, để giúp ta biết đón nhận cái chết của chính mình cũng như cái chết của nền văn minh mà ta đã tạo ra. Chấp nhận được sự thật này, ta sẽ có an lạc, có sức mạnh và sự tỉnh thức để chờ đợi những điều mới mẻ được sinh ra, và nhờ vậy chúng ta biết lại gần với nhau, không còn hận thù, không còn kỳ thị.
Thực ra khổ đau của chúng ta bắt nguồn từ những tri giác và quan điểm sai lầm (sở tri chướng), từ cảm xúc tiêu cực (phiền não chướng), cho nên điều quan trọng và cấp thiết phải làm là buông bỏ những quan điểm sai lầm, cảm xúc tiêu cực đó.
Cái mà ta cần là tuệ giác, là cái thấy đúng, là sự nhận diện cảm xúc khi nó sinh khởi.
Chúng ta không cần phải đi đâu xa hay tìm một cái gì đó để thiền tập. Bởi vì thiền tập nằm ngay trong đời sống hàng ngày của ta. Những gì Phật dạy chính là để ta biết cách giúp ta và giúp người, giúp ta biết nhìn sâu hơn để giải thoát mình khỏi những ý niệm sai lầm gây nên hận thù, sợ hãi và bạo động. Từ nền tảng đó ý thức cộng đồng mới có thể thay đổi.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66990 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46406 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36528 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30849 lượt xem )