Lạy Phật hàm chứa nguyên lý y học thâm sâu

Gửi lúc 11:59' 25/02/2015

Lạy Phật là vận động tốt nhất, còn tốt hơn khí công và thái cực quyền. Lạy Phật là môn vận động giúp thân, miệng, ý chúng ta thanh tịnh; có thể giúp tâm chúng ta khế hợp với tâm Phật và đương nhiên cũng có thể trị bệnh.

Lạy Phật có hiệu quả điều chỉnh xương sống, cường hoá nội tạng, làm tăng thêm tế bào mang dưỡng khí.

Con người hiện nay bị rất nhiều áp lực, tinh thần căng thẳng, cơ bắp toàn tân cũng tự nhiên căng cứng theo. Lại thêm vì thiếu vận động, cột xương sống trở nên cứng nhắc, rất khó uốn cong. Đứng về mặt y học mà nói, kẽ hở giữa những đốt xương trên cột sống là chỗ thần kinh và mạch máu đi qua. Thần kinh nơi tủy sống phụ trách quản lý các cơ quan nội tạng. Nếu khoảng cách giữa những đốt xương sống quá sát thì sẽ chèn ép dây thần kinh và mạch máu. Cho nên, nếu thần kinh và mạch máu ở đốt xương sống nào đó bị chèn ép, thì đốt xương sống đó có vấn đề. Những chức năng của cơ quan nội tạng nào được sự giúp đỡ của dây thần kinh và mạch máu đó sẽ từ từ hư hoại. Bởi vì tư thế không đúng, cơ bắp căng cứng khiến xương cột sống đè lên nhau quá sát, máu chảy không thông, thần kinh bị ảnh hưởng, nên không thể đưa chất dinh dưỡng và dưỡng khí đến cung cấp cho những tế bào trong cơ quan nội tạng. Vì vậy chúng ta lúc bình thường điều chỉnh các tư thế và động tác đi đứng nằm ngồi phối hợp với hơi thở, sẽ có ảnh hưởng tốt đối với tình trạng bệnh tật.

Động tác lạy Phật đúng giúp tiêu trừ những chướng ngại về mặt sinh lý và tâm lý.

Động tác lạy Phật nếu đúng có thể giúp ích cho việc trị liệu. Vì lúc lạy Phật phải cúi đầu xuống một cách dịu dàng, đến mức cằm đụng sát ngực, động tác này có thể giúp cột xương cổ gồm bẩy đốt kéo giãn ra, đem lại những lợi ích sau đây:

1. Lượng máu dồn về bộ não đầy đủ:

Chỉ có hai đường huyết quản dẫn máu lên bộ não. Đường thứ nhất là động mạch cổ, đường thứ hai là động mạch xương sống. Động tác này khiến động mạch xương sống không bị đè ép, lượng máu và dưỡng khí cung cấp bộ não sẽ thông suốt và nhiều hơn, do đó giúp nâng cao công năng bộ não.

2. Dịch tủy xương sống và não (cererospinal fluid) lưu thông:

Dịch tủy xương sống và não là lớp chất dịch tuần hoàn ở vòng ngoài tủy sống và bộ não, cũng như bên trong não thất. Nó có những công năng như sau:

          - Điều tiết sức ép của não.

          - Bảo vệ não.

          - Cung cấp chất dinh dưỡng.

          - Chuyển đưa các chất thải.

Nếu tư thế của đầu, cổ không đúng, góc độ không ngay, thì lớp tủy sống và não như bị ngâm trong nước ứ đọng không tươi mới, sức ép não cũng bất bình thường, dễ bị chứng nhức đầu, choáng váng. Động tác lạy Phật có thể giúp cho chất dịch của tủy sống và bộ não lưu thông, giúp tăng cường công năng bộ não, có thể chỉ huy tế bào toàn thân một cách thỏa đáng.

3. Giúp hệ thống thần kinh ở xương cổ không bị ép, phát huy được công năng.

Thần kinh ở những đốt xương cổ có liên quan mật thiết với những chức năng của mắt, tim, huyết áp, khí quản và nước miếng. Thần kinh của cánh tay cũng đến từ xương cổ. Nếu hệ thần kinh trong xương cổ bị chèn ép, sẽ sinh ra các chứng như đau nhức, tê bại. Nếu thường lạy Phật, cúi đầu nhè nhẹ, kéo giãn các đốt xương cổ, thì có thể trị liệu những chứng bệnh ở các bộ vị nói trên.

Lạy Phật: Điều chỉnh xương sống, trị dứt bệnh nhức lưng, đau hông.

Lúc cúi mình lạy xuống (cúi đầu, khom lưng, co gối), phải lấy gót chân làm điểm tựa. Lấy gót chân làm điểm tựa là nguyên lý trọng tâm vật lý tự nhiên. Vì như vậy cơ bắp mới không căng cứng, tốn sức. Phần bụng và ngực phải cố gắng đưa về phía sau, đến có thể thấy được gót chân sau, mới cúi lưng xuống. Tốt nhất cúi đến mức phần bụng dưới cũng có thể sát với đùi. Động tác này có thể kéo giãn làm buông lỏng bắp thịt ở hai bên xương sống, khiến kẽ hở giữa các đốt xương sống có thể kéo giãn ra. Làm như vậy sẽ có tác dụng cải thiện rất lớn đối với nội tạng, hệ thần kinh và sự lưu thông máu huyết. Toàn bộ động tác lạy, cũng như động tác quỳ xuống, thân tuy động mà trọng tâm giữ không động. Đó gọi là nhất tâm, là định trong động.

Lại nữa, trong khi lạy Phật mắt đừng nhắm lại, nên thu nhiếp nhãn thần, quán chiếu lại mình. Nếu nhắm mắt thì tư thế không vững, công năng điều tiết huyết áp cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, làn sóng não lúc mở mắt và nhắm mắt khác nhau. Chúng ta lễ Phật là khai phát công năng của tánh giác, khai phát công năng điều hành thống nhất cao cấp của não bộ, không phải sùng bái một cách mù quáng.

 

 

Lúc lạy Phật hai tay chắp lại, nhưng trước khi quỳ xuống thì hai tay buông nhẹ ra hai bên, chống xuống đất, sau đó đầu gối mới quỳ xuống. Sau khi quỳ xuống, lòng bàn chân hướng lên, thân người ngồi giữa mé trong của hai gót chân. Động tác này giúp kéo giãn khớp xương cổ chân, đồng thời cũng kích thích làm điểm phản xạ của tuyến lymph hoạt động, sau đó thân trên cúi xuống, mặt úp ngay ngắn sát đất. Điều nên chú ý là mắt phải mở. Động tác này có thể điều chỉnh lại cột sống của chúng ta. Con người vì muốn giữ tư thế đứng thẳng đã phải trả giá bằng sự đau lưng nhức hông. Nói chung khi người ta đứng, phần eo tương đối chịu lực, nên cột sống phần eo thường cong lại về phía bụng. Như vậy sẽ khiến các đốt xương ở cột sống phần eo ép chặt lại, tạo nên sức ép chướng ngại. Như vậy nó sẽ làm ảnh hưởng đến công năng của các cơ quan nội tạng như gan, dạ dầy, lá lách, ruột già, ruột non, thận, bàng quang v.v... Lạy Phật có thể trị được những chướng ngại này. Đây cũng gọi là tiêu trừ nghiệp chướng. Vì lạy Phật sửa cột sống phần eo cong vào khiến cho nó thẳng lại, bằng cách đưa nó ra về hướng lưng. Đây cũng chính là cách đẩy ra phần cột sống bị ép quá chặt, khiến nó được giãn ra, không còn bị ép.

Lạy Phật làm tăng lượng thở buồng phổi, mở rộng lòng độ lượng và khai phát sức tự giác.

Lạy Phật khi quỳ xuống đầu sắp chạm đất, đồng thời hai tay duỗi ra trước một cách nhẹ nhàng, mềm mại để chuẩn bị tiếp xúc chân Phật. Tay đưa ra cách đỉnh đầu khoảng một nắm tay, đồng thời hai bên nách cũng cố mở rộng. Ý của nó là mở rộng tâm lượng của chúng ta, cũng là làm tăng lượng thở của buồng phổi. Sau khi tay đưa ra quá đầu, thì lật bàn tay lại khiến lòng bàn tay ngửa lên. Động tác này biểu thị: Tôi nhất định phải chuyển hóa cảnh giới tâm linh của mình, để tiếp nhận ánh sáng của Phật. Cũng có nghĩa: Tôi phải đem hết lòng mình ra để cúng dường cho Phật, không một chút lưu giữ. Lúc đó phải quán chiếu đầu ngón tay của chúng ta giống như cánh hoa sen mềm mại, không cần phải dùng sức. Dùng đôi bàn tay hoa sen này để đỡ chân Phật nhắc nhở chúng ta rằng: Hoa sen nở ra không phải nhờ sức mạnh bên ngoài, mà nhờ vào sức tự giác bên trong. Hoa lòng của chúng ta nở bừng cũng giống như vậy. Lúc đó chúng ta phải quán tưởng Đức Phật đại từ đại bi đứng trên đôi tay hoa sen của mình để tiếp nhận sự đảnh lễ. Chúng ta có thể đối diện cùng Phật, điều này thật là hạnh phúc biết bao! Lúc đó tự nhiên từ đáy lòng chúng ta sẽ mỉm cười.

Chúng ta lại quán tưởng Đức Phật phóng luồng ánh sáng thanh tịnh, từ bi chiếu vào đỉnh đầu mình, khiến toàn thân trở nên thanh tịnh, sáng suốt. Tất cả bệnh đau đều quét sạch, như bóng tối gặp phải ánh sáng. Chúng ta lại quán tưởng tất cả chúng sinh đều lạy Phật chung với chúng ta, cùng tắm mình trong ánh sáng Phật.

Lạy Phật giúp hô hấp triệt để, hoành cách mô co giãn mạnh dẫn đến thở ở đan điền. Thở ra hết hơi dơ cặn bã, hít vào toàn hơi Phật thanh tịnh.

Mọi người chúng ta ai cũng hít thở mãi, nhưng thực ra ít ai biết phải hít thở như thế nào. Rất ít người biết thở một cách hoàn chỉnh và triệt để. Vì sao? Bạn thử quan sát xem, người ta chỉ cần ở trong trạng thái bận rộn, hay là tâm đang chú ý đến sự việc bên ngoài, thì hơi thở sẽ bị ảnh hưởng. Nó trở nên rất cạn, rất ngắn, thậm chí còn có lúc tạm thời dừng lại. Nhất là lúc trong lòng buồn bực, hay nổi giận, thì cách thở này không thể đem những khí dơ trong cơ thể ra ngoài, đổi lấy không khí tươi mới. Nếu như vậy lâu ngày chày tháng sẽ tích lũy thành uế khí bên trong khiến cơ thể thiếu dưỡng khí. Chúng ta biết tế bào nếu thiếu dưỡng khí sẽ dễ biến thành tế bào ung thư, hay nói cách khác mình sẽ dễ mắc bệnh ung thư. Chúng ta lễ Phật có thể điều chỉnh hơi thở, khiến hít ra thở vào triệt để và hoàn toàn. Vì vậy, lễ Phật cũng là loại khí công rất tốt.

Khi chúng ta cúi xuống lễ Phật, động tác này giúp chúng ta thở ra một cách triệt để, những chất khí dơ trong toàn thân và vùng phổi đều được xả bỏ sạch sẽ. Lúc năm vóc mọp sát đất, vì bắp thịt toàn thân buông lỏng, không bị sức cản, nên tự nhiên sẽ hít vào một cách rất sâu, rất đầy đủ. Theo nguyên lý động lực học của huyết dịch, thì hít hơi thở vào sâu có tác dụng thu hút dòng máu chảy thuận lợi trở về tim rồi bơm đi khắp nơi. Do đó trong khi lạy Phật, từng tế bào trong thân chúng ta sẽ nhận được dưỡng khí và dinh dưỡng rất phong phú, cho đến cảm nhận được không khí hoan hỉ, hạnh phúc của thế giới Cực Lạc. Lúc lạy xong chuẩn bị đứng dậy, cần phải mượn sức hít hơi thở vào để đứng lên, thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, đỡ nhọc mệt.