Kiến thủ
Thiền sư Đạo Nguyên trong tác phẩm của mình, khi nói về Phật tánh Ngài viết: “Phật tánh không phải thiện mà cũng không phải ác“. Thường thì ta nghĩ, đạo Phật là phe thiện, còn ma là phe ác. Nhưng không phải vậy.
Đạo Phật vượt thoát mọi ý niệm chánh tà, thiện ác.
Cũng như Niết bàn. Nếu nói Niết bàn là thiện thì không đúng, mà ác thì cũng không đúng. Niết bàn là sự tắt ngấm của mọi ý niệm.
Chánh tà hay thiện ác là do ta thiết lập ra để sống trong cõi đời này thôi. Còn trong chân lý tuyệt đối thì nó vượt thoát chánh tà.
Chánh kiến cũng tương tự. Nếu có ai nói “vô thường” thì ta cho đó là chánh kiến. Còn hễ người ta nói “thường” thì ta bảo đó là tà kiến. Nếu người ta nói “vô ngã” thì ta cho là chánh kiến, còn nói “ngã” thì ta cho là tà kiến. Nhưng cả ngã và vô ngã, cả thường và vô thường đều là “kiến” hết, đều là những quan niệm mang cái chấp của người nhìn nhận.
Khi người ta có quan niệm này thì người ta cũng có quan niệm khác.
Quan niệm tức là cái khía cạnh ta nhìn.
Ví dụ con xúc xắc có sáu cạnh, khi nhìn vào cạnh này ta cũng thấy nó là con xúc xắc, nhìn vào cạnh kia cũng thấy nó là con xúc xắc. Và nhìn con xúc xắc ấy mình có thể có sáu quan niệm khác nhau. Mỗi mặt là một quan niệm, mỗi mặt là một cái thấy. Nếu ta cho rằng chỉ có mặt đó mới là con xúc xắc còn mặt kia không phải là con xúc xắc thì ta bị mắc kẹt, ta không thấy được chân tướng của con xúc xắc.
Khi còn ôm lấy một cái kiến, một quan niệm, thì ta vẫn có thể bị kẹt như thường. Kẹt vào một cái thấy gọi là kiến chấp, hoặc kiến thủ. Khi ta níu lấy một cái thấy, ta nghĩ cái thấy đó là tuyệt đối, là chân lý thì ta sẽ cho tất cả những kiến khác là tà, và ta có thể trở nên độc tài. Ta nói chỉ riêng ta có chân lý thôi còn những người khác đều sai hết. Do thái độ độc tài cho nên người ta có thể đánh phá, giết hại người khác: “họ là tà nên phải tiêu diệt hết để cho cái chánh đi lên”. Từ kiến thủ ấy mà gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc.
Sở dĩ chúng ta bám chấp vào cái kiến, quan niệm của chính mình vì trong tàng thức của mỗi người đều có căn bản trí, căn bản trí có khả năng tiếp xúc trực tiếp với thực tại chính nó. Tàng thức có khả năng đi thẳng vào tất cả các hành nằm trong hữu phần thức. Tuy nhiên, khi một trong các giác quan của chúng ta tiếp xúc với một đối tượng nào, thông thường chúng ta dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ và chúng ta có cảm giác một là tham đắm, hai là chán ghét. Vì vậy chúng ta phân loại các sự vật, sự việc dựa trên những cái hộp đã có sẵn trong tàng thức.
Tri giác của chúng ta có khuynh hướng dựa trên những kinh nghiệm mà chúng ta có trước đó. Chúng ta đã gặp một vài chuyện trong quá khứ và chúng ta so sánh nó với những gì chúng ta đang gặp trong giây phút hiện tại. Chúng ta có cảm giác mình đã biết nó rồi. Chúng ta sơn phết lên nó những sắc màu đã có sẵn trong chúng ta và phản ứng theo lối mòn nhận thức của chính ta. Vì vậy chúng ta ít tiếp xúc được với bản chất thực tại. Chỉ khi nào có thể đặt bản thân bên ngoài những cách nhìn lối mòn, kinh nghiệm từ hữu thức và chủng tử của vô thức, bỏ qua cảm xúc bên trong thì ta mới có thể vượt thoát được cái kiến chấp.
Khi có một cái thấy nào đó, ta đừng cho rằng nó là chân lý tuyệt đối, đừng vội phán xét bằng kinh nghiệm của cá nhân bởi một khi đã kẹt vào nó rồi thì không thể đi xa được. Tương tự như việc đã leo lên nấc thang thứ tư và cứ nghĩ rằng đó là nấc thang cao nhất nên cứ ôm khư khư lấy nấc thang thứ tư mà không chịu buông bỏ, do đó tự mình đánh mất cơ hội leo lên nấc thang thứ năm. Buông bỏ được nấc thang thứ tư, đó gọi là buông bỏ tri kiến, là phá chấp.
Kinh Bách Dụ kể rằng có một thương gia nọ rất mực thương yêu đứa con trai duy nhất của mình. Trong một chuyến đi buôn xa, ở nhà bọn cướp đã đến cướp toàn bộ gia sản và đốt cháy gia trang của ông. Khi trở về, trước cảnh đổ nát, ông phát hiện một xác trẻ thơ bị chết cháy đen. Ông tin chắc rằng đây là xác đứa con trai duy nhất của mình. Ông vô cùng đau đớn. Ông làm lễ hỏa thiêu cho cái xác ấy. Tro còn lại được ông cho vào cái túi gấm và luôn đeo bên mình. Ông tin rằng đây là tro cốt của con mình nhưng sự thực đứa con trai của ông vẫn còn sống. Cậu bé thừa lúc bọn cướp sơ hở đã trốn thoát được và tìm về ngôi nhà mới dựng lại của cha mình. Có một đêm, trong lúc người thương gia đang ôm túi tro và rưng rức khóc nhớ con thì cậu bé gõ cửa. Ông ta hỏi: “Ai đó?” Đứa con trai trả lời: “Con đây! Con là con của cha đây!” Nhưng ông ta không tin:“Mày là đồ lường gạt. Con của ta đã chết từ lâu rồi. Hãy đi đi”. Ông ta nhất quyết không mở cửa và con trai của ông buồn bã bỏ đi. Lần này ông đã thực sự mất con.
Sau khi kể xong câu chuyện, Đức Phật kết luận rằng có người cứ chấp vào một cái thấy mà họ cho là chân lý, vì vậy khi chân lý đến gõ cửa thì họ lại không thèm mở cửa. Đây là kiến thủ. Sự thực tập quan trọng nhất của đạo Phật là phá chấp, để đừng bị kẹt vào một cái thấy nào dù đó là cái thấy vô thường, vô ngã hay duyên sinh.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66990 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46407 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36528 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30849 lượt xem )