Hải đảo tự thân
Ở Ấn Độ người ta chia cuộc đời của con người làm bốn giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là chúng ta có thể đi trên con đường của sự ham muốn, để làm thỏa mãn năm dục là tài, sắc, danh, thực, và thụy.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn của sự thành công. Tại vì ăn ngon, mặc đẹp, có nhiều tiền để xài, được khen ngợi, có sắc dục. Những thứ đó chưa làm thỏa mãn người ta lắm. Người ta muốn thành công, người ta muốn có danh, có địa vị lớn trong xã hội, người ta muốn có sự khen ngợi. Cái đó là sự thành công.
Giai đoạn thứ ba là không thấy hạnh phúc nhiều trong hai giai đoạn đầu, cho nên đi tìm hạnh phúc của mình trong việc phụng sự. Trong khi phụng sự như vậy, mình quên cái ngã của mình, quên cái dục riêng của mình, cái danh riêng của mình, mà mình muốn phụng sự một cái ngã lớn hơn, đó là đoàn thể của mình, dân tộc của mình, nhân loại của mình. Lúc đó niềm vui của mình không phải là dồn chứa cho cái ngã, mà là cái hiến tặng. Trước kia là cái ước muốn thâu tóm cho mình. Đến giai đoạn này là cái ước muốn phụng sự. Mình dùng cuộc đời của mình, dùng sức khỏe của mình, dùng tài năng của mình, dùng sự sáng tạo của mình để phục vụ cho một đoàn thể. Mình tìm hạnh phúc trong đoàn thể đó. Con đường này là con đường phụng sự. Niềm vui của mình nó lớn hơn, nó dài hơn.
Nếu hai giai đoạn đầu mình chỉ muốn phụng sự cho thân thể, cho đời sống có giới hạn của mình (dài nhất cũng được khoảng 100 năm). Những cái ham muốn kia, và những sự thành đạt kia nếu có được thì cũng chỉ có được trong thời hạn tối đa là 100 năm đó thôi. Có khi ít hơn nhiều. Đó là nói đến sự thành đạt. Nhưng phần lớn trong các trường hợp thì không có sự thành đạt.
Sau khi buông bỏ được hai cái đó, người ta đi tới con đường phụng sự, là người ta bắt đầu bỏ cái ngã nhỏ để đi tìm một cái ngã lớn. Nhưng cái ngã lớn đó nó vẫn còn nằm trong vòng vô thường, có sinh có diệt. Tại vì không có một chế độ nào, không có một đoàn thể nào có thể tồn tại mãi mãi được. Người ta cũng có thể có hạnh phúc khi phụng sự nhưng rốt cuộc người ta thấy rằng cái mà người ta thực sự mong muốn là một cái gì không nằm trong phạm vi sinh diệt, một cái gì có giá trị tuyệt đối, thế nên nhiều người đi tới con đường thứ ba mà vẫn đau khổ ê chề như thường. Tại vì họ nghĩ là họ đang phụng sự, nhưng kỳ thực là họ đang phụng sự cho cái ngã của họ, phục vụ cho cái danh, cái lợi của chính bản thân họ chứ không phải phụng sự cho tăng thân, cho đoàn thể, họ chỉ đang tự đánh lừa là mình đang phục vụ cho mọi người mà thôi.
Và qua giai đoạn thứ ba, họ bước vào giai đoạn thứ tư, người ta buông bỏ để đi tìm một cái gì thật sự miên viễn, trường cửu, và có hạnh phúc hoàn toàn. Đó là cái ước muốn tối hậu của con người: Đi tìm sự bất diệt, sự vĩnh cửu, niềm hạnh phúc vượt khỏi những biến thiên, lên xuống, có không, và còn mất.
(Thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Trong khi đó thì trong truyền thống đạo Phật, không phân ra bốn giai đoạn của đời sống như vậy. Nếu có giới, định, tuệ, chúng ta có thể đi một lần trên bốn con đường, và không có con đường nào trái chống với con đường nào cả. Trong khi buông bỏ, chúng ta vẫn có hạnh phúc. Chúng ta buông bỏ, chúng ta vẫn thành công được. Chúng ta buông bỏ, chúng ta vẫn phụng sự được, là tại sao? Tại vì tất cả những thứ này chúng ta đều thực hiện trên nguyên tắc vô ngã. Buông bỏ ở đây nó có nghĩa là buông bỏ một cái ta riêng biệt. Buông bỏ cái ta đó rồi, nhưng hạnh phúc vẫn có, thành công vẫn có, phụng sự vẫn có, mà buông bỏ cũng có luôn.
Nhưng, làm sao mới có giới, định, tuệ? Làm sao để đi một lần trên bố con đường?
Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần.
Thở vào, thở ra
Là hoa tươi mát,
Là núi vững vàng,
Nước tĩnh lặng chiếu,
Không gian thênh thang.
- Điều trị bầm tím tụ máu bằng phương thuốc bí truyền của các võ sư ( 165132 lượt xem )
- 22 mẹo hay trị vết thâm tím ( 66990 lượt xem )
- 4 câu hỏi thường gặp khi bị bầm tím ( 46407 lượt xem )
- Thực phẩm chức năng nào điều trị dứt điểm được bệnh viêm đại tràng mạn tính? ( 36528 lượt xem )
- Giới thiệu chung ( 30849 lượt xem )