Rối loạn thần kinh thực vật có đáng sợ?

Gửi lúc 14:09' 13/10/2015

Hệ thần kinh thực vật (Autonomic Nervous System) là để chỉ những cơ quan hệ thống trong cơ thể chịu sự chi phối của những bộ phận thần kinh hoạt động có tính chất tự động, không theo ý muốn của con người, như là hoạt động thần kinh của loài thực vật như hoạt động của tim, của cơ quan hô hấp, hệ tiêu hóa...

 

 

Rối loạn thần kinh thực vật đã được nói đến vào những năm cuối của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với chẩn đoán thấy chủ yếu ở những phụ nữ được gọi là có thần kinh yếu. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các bác sĩ dùng từ này để chỉ những triệu chứng mà nay người ta thường thấy ở những người có rối loạn liên quan đến stress với các triệu chứng mệt mỏi, yếu trong cơ thể, hoa mắt, chóng mặt, dễ ngã. Những lúc như vậy, họ thường được bác sĩ khuyên là nên nghỉ ngơi tại giường.

Cấu tạo của hệ thần kinh thực vật

Hệ thần kinh thực vật được cấu tạo bởi nhiều thành phần khác nhau. Một vài phần giúp chúng ta có thể suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc, sự vận động của cơ thể và giữ cân bằng của cơ thể. Hệ này xuất phát từ vùng dưới đồi (là một khu vực ở sâu trong não) và từ tủy sống.

Hệ thần kinh thực vật gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Sự mất cân bằng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm dẫn đến bệnh lý của hệ thần kinh thực vật.

Nguyên nhân của rối loạn thần kinh thực vật

Nguyên nhân gây ra rối loạn thần kinh thực vật vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng nó có thể bao gồm những nguyên nhân sau:

Những bệnh do nhiễm virut; Những tổn thương ở não; Di truyền; Những tư thế không tốt của cơ thể, ví dụ như gây ra áp lực đối với những động mạch quan trọng hoặc tạo áp lực đối với những dây thần kinh quan trọng của cơ thể; Tiếp xúc với những hóa chất độc hại; Khi có thai; Bệnh di truyền của tổ chức liên kết, đặc biệt là hội chứng Ehlers - Danlos; Bệnh lý tự miễn, đặc biệt là bệnh đái tháo đường; Những bệnh lý thoái hóa thần kinh, ví dụ như bệnh Parkinson; Những bệnh lý chấn thương hoặc tổn thương làm tổn hại hệ thần kinh thực vật, ví dụ chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống.

Những biểu hiện thường gặp

Biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật rất phong phú, đa dạng và thay đổi tùy theo từng người. Có những người cảm thấy cuộc sống vẫn bình thường đối với những rối loạn này nhưng có những người thì cảm thấy những rối loạn này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Những biểu hiện đó bao gồm: cảm thấy đầu óc chếnh choáng hoặc hoa mắt, chóng mặt; Rối loạn giấc ngủ, thường là mất ngủ; Hay đi đái dắt; Ăn nhanh no; Thể hiện một sự nhạy cảm với ánh sáng quá mức; Rối loạn vận mạch ở da, da nổi mẩn đỏ; Dễ bị rám nắng; Nhịp tim nhanh hoặc có khi là nhịp chậm; Hay đi tiểu tiện, kể cả ban ngày hay ban đêm; Thường xuyên có cảm giác buồn nôn; Ra mồ hôi quá nhiều; Táo bón hoặc tiêu chảy; Cảm thấy mệt mỏi quá mức; Cảm giác lo âu hoặc hoảng hốt sợ hãi; Tụt huyết áp tư thế, đôi khi có thể dẫn đến ngã đột ngột; Đau ngực, cảm giác khó thở; Đau dây thần kinh; Khô miệng...

 

 

Ứng phó thế nào với rối loạn thần kinh thực vật?

Nếu tìm được nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật thì cần chữa theo nguyên nhân nhưng cho đến nay, những rối loạn thần kinh thực vật chưa tìm được căn nguyên thì không có cách để chữa hoặc điều trị triệt để. Hầu như người ta chỉ điều trị triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật như có thể dùng benzodiazepine để điều trị lo âu, hồi hộp, mất ngủ. Dùng những thuốc chống suy nhược cơ thể hoặc những biện pháp làm thích nghi dần với hạ huyết áp tư thế như là nâng cao đầu giường, ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, chế độ ăn mặn hơn...

Rối loạn thần kinh thực vật thường tự khỏi trong vòng khoảng 2 - 3 năm và rối loạn này không có gì nghiêm trọng đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên nó có thể làm hạn chế những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng.