Hen phế quản - Những điều cần biết

Gửi lúc 10:28' 17/04/2013

KHÁI NIỆM
Theo y học hiện đại, Hen phế quản là tình trạng viêm mãn tính phế quản gây nên phù và chít hẹp đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè ở người bệnh. Còn theo đông y, hen phế quản hen là bệnh mãn tính, căn nguyên gây bệnh liên quan đến 3 tạng là Tỳ, Phế, Thận. Đờm xuất hiện là do Tạng Tỳ yếu về vận chuyển biến hóa thức ăn. Khó thở là do Tạng Phế kém dẫn đến việc điều khí rối loạn, bên cạnh đó Tạng Thận yếu dẫn đến không dẫn được khí từ trên xuống dưới cũng gây ra khó thở.

TRIỆU CHỨNG HEN PHẾ QUẢN
Các triệu chứng của hen phế quản thì biểu hiện khác nhau ở mỗi người và trên cùng một người chúng cũng biểu hiện khác nhau tùy theo từng thời điểm. Điều quan trọng cần nhớ là phần nhiều trong số các triệu chứng này thì chỉ biểu hiện phảng phất và có thể tương tự với các bệnh lý khác. Tất cả các triệu chứng được đề cập dưới đây có thể gặp ở các bệnh lý hô hấp và thỉnh thoảng có thể gặp ở những bệnh lý tại tim. Sau đây là 4 triệu chứng thường thấy nhất:
- Thở nhanh (Thở ngắn): Đặc biệt là có kèm gắng sức hoặc vào buổi tối.
- Thở khò khè: Nghe có tiếng rít khi thở ra
- Ho: Có thể kéo dài, thường nhiều vào ban đêm và sáng sớm, có thể xuất hiện sau khi tập thể dục, hoặc khi tiếp xúc với không khí lạnh và khô.
- Nặng ngực: Có thể xuất hiện đi kèm hoặc không đi kèm với các triệu chứng trên
 


MỨC ĐỘ NẶNG CỦA BỆNH

Hen phế quản được phân loại dựa vào tần suất và độ nặng của triệu chứng, hay của cơn hen phế quản, và dựa vào kết quả xét nghiệm chức năng phổi:

    30% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ nhẹ, không liên tục (ít hơn 2 đợt hen trong một tuần) và những xét nghiệm về chức năng thở bình thường.
    30% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ nhẹ, dai dẳng (2 đợt hay nhiều hơn trong một tuần) và chức năng thở bình thường hoặc bất thường.
    40% bệnh nhân có các triệu chứng hen phế quản ở mức độ từ trung bình đến nặng, dai dẳng (mỗi ngày hoặc liên tục) và chức năng thở bất thường.

YẾU TỐ KÍCH THÍCH CƠN HEN

* Tác nhân dị ứng:
    Phấn hoa theo mùa
    Bụi, nấm mốc, vật nuôi, các thành phần của côn trùng
    Thực phẩm như cá, trứng, đậu phộng, sữa bò, đậu nành
    Các chất phụ gia như sulfite
    Các tác nhân có liên quan đến công việc như chất latex
Khoảng 80% trẻ em và 50% người lớn bị hen phế quản đều có dị ứng.

* Tác nhân kích thích:
    Nhiễm trùng hô hấp: chẳng hạn như cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang
    Thuốc: Như aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) khác, thuốc ức chế thụ thể beta (thường được dùng để điều trị cao huyết áp và một số bệnh tim)
    Hút thuốc lá
    Các yếu tố ngoài môi trường như khói, thay đổi thời tiết, mùi diesel
    Các yếu tố trong nhà như nước sơn, bột giặt, khử mùi, hóa chất, nước hoa
    Ban đêm
    Bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
    Tập thể dục: ví dụ như trong điều kiện lạnh và khô
    Các yếu tố liên quan đến công việc như hóa chất, bụi, gas, kim loại
    Các yếu tố cảm xúc: cười, khóc, hò hét, đau buồn...
    Các yếu tố liên quan đến nội tiết tố (hormon): VD như hội chứng tiền mãn kinh

* Các loại cơn hen:
  - Cơn kịch phát: cơn điển hình khó thở chậm, rít xuất hiện đột ngột trong vài phút đến hàng giờ ( 1-3 giờ )
  - Cơn liên tục: khó thở chậm rít, kéo dài 4 - 5 giờ đến một vài ngày.
  - Cơn ác tính: cơn liên tục nặng trên 24 giờ do tắc nghẽn phế quản tận, điều trị bằng thuốc hen thông thường không kết quả, biến chứng suy hô hấp , suy tim phải, tử vong
 
CÁC THỂ HEN
* Hen dị ứng:
Hen dị ứng bị gây ra do phản ứng dị ứng với các dị ứng nguyên như phấn hoa hay vảy da của thú vật. Một cách điển hình, người bị loại Hen này có tiền sử cá nhân hay tiền sử gia đình bị bệnh về dị ứng, như viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô, và/hoặc chàm (những bệnh da gây ngứa, nổi ban đỏ và đôi khi có bong nước nhỏ).

Hen theo mùa, một dạng của Hen dị ứng, có thể bị gây bùng phát bởi cây cỏ, hoặc hoa phóng thích phấn hoa vào không khí. Ví dụ như, một số người thấy rằng bệnh Hen của họ thường trở nên tệ hại hơn vào mùa xuân khi cây cỏ nở hoa. Một số người khác lại thấy rằng họ bị nặng hơn vào cuối mùa hạ hay đầu mùa thu khi cúc dại (cỏ phấn hương) và nấm mốc từ lá cây có thể là nguyên nhân gây cơn Hen.

* Hen không thuộc dạng dị ứng
Những người này xảy ra cơn hen không đi kèm với dị ứng. Mặc dù những người này bị cùng những triệu chứng và các thay đổi tương tự trên đường dẫn khí cũng như những đối tượng bị Hen dị ứng, cơn Hen của những người này không bị gây ra bởi các dị ứng nguyên. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ người bị bệnh hen nào, các cơn Hen có thể bị gây bùng phát hay nặng hơn khi có một hay nhiều hơn các tác nhân gây cơn không thuộc loại dị ứng bao gồm những chất (chất kích ứng) trong không khí bạn thở, như khói thuốc lá, khói đốt gỗ, những chất khử mùi dùng cho phòng ở, mùi ống dẫn gas, mùi sơn mới, các sản phẩm lau nhà, mùi nấu ăn, nước hoa và ô nhiễm không khí bên ngoài. Các viêm nhiễm đường hô hấp như cảm lạnh thông thường, cúm hay nhiễm khuẩn mũi xoang cũng có thể gây ra các triệu chứng. Cuối cùng là vận động thể lực nặng, không khí lạnh, thay đổi đột ngột nhiệt độ không khí, và thậm chí hồi lưu thực quản dạ dày (ợ nóng) có thể là các tác nhân gây cơ Hen đối với những bệnh nhân Hen dị ứng hoặc không do dị ứng.

* Hen do vận động thể lực
Hen do vận động thể lực, đơn giản nói về các triệu chứng Hen bị kích phát do vận động thể lực hoặc các hoạt động gắng sức. Các triệu chứng này thường được ghi nhận trong hay ngay sau khi vận động. Vận động ngoài trời vào mùa đông dường như là đặc biệt tệ hại đối với những bệnh nhân bị loại Hen này. Tuy nhiên, vận động cũng có thể gây ra các triệu chứng ở những người bị các loại Hen khác.

* Hen về đêm
Hen về đêm có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc bất kỳ loại Hen nào. Loại Hen này là các triệu chứng Hen dường như trở nên tồi tệ hơn vào giữa đêm, điển hình là giữa 2-4 giờ sáng.

Tác nhân gây triệu chứng Hen trở nên nặng hơn vào ban đêm có thể bao gồm nhiễm khuẩn xoang hay chảy mũi sau gây ra bởi các dị ứng nguyên như vi trùng trong bụi bặm hay vảy ra của thú vật. Đồng hồ sinh học của bạn có thể cũng sẽ giữ một vai trò nào đó: nồng độ của các chất mà cơ thể bạn sinh ra như adrenaline và corsticosteroid, cả hai chất này đều bảo vệ cơ thể chống lại bệnh hen, là thấp nhất trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 4 giờ sáng làm cho người bị Hen dễ xảy ra các triệu chứng trong lúc này.

* Hen trong thai kỳ
Phụ nữ có thai bị Hen có tỷ lệ biến chứng liên quan đến thai kỳ cao hơn. Trong số những bệnh nhân có thai bị Hen, một phần ba sẽ thấy có cải thiện chứng Hen, một phần ba vẫn duy trì tình trạng cũ, và một phần ba sẽ bị Hen nặng hơn. Cải thiện việc kiểm soát Hen trong thai kỳ đi kèm với tỷ lệ thấp hơn các biến chứng liên quan đến thai kỳ.

* Hen do nghề nghiệp
Người bị Hen nhạy cảm với các cơn bùng phát bệnh khi tiếp xúc với hơi khói hay bụi gây kích ứng trong mội trường làm việc. Tuy nhiên, bệnh suyễn do nghề nghiệp là nói về chứng Hen mới mắc gây ra bởi sự tiếp xúc với một chất (như hóa chất, protein động vật, …) tại nơi làm việc. Giảm nồng độ trong không khí của các tác nhân gây kích ứng qua việc kiểm soát tốt hơn bụi bặm có thể giảm thiểu được tỷ lệ cơn Hen và giảm bớt sự nhạy cảm.

Hãy thảo luận về chứng Hen của bạn với bác sĩ để xác định loại Hen bạn có thể đang bị. Một lần nữa xin nhắc rằng, dù bạn bị bất kỳ loại Hen nào, điều trị đúng cách có thể kiểm soát được chúng.

Tìm hiểu thêm thông tin tại https://www.benhhen.vn


Dược sĩ, Lương y Tào văn Chiến