Đông y chữa hội chứng ruột kích thích

Gửi lúc 09:55' 27/04/2013

Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng của ruột già, biểu hiện bằng những đợt táo bón xen kẽ với tiêu chảy cùng những rối loạn tiêu hóa khác. Tuy không đe dọa tính mạng bệnh nhân nhưng bệnh lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống, là bệnh khó chẩn đoán và điều trị.

Hiện nay nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng có sự liên quan đến các yếu tố sau đây: yếu tố tâm lý, không dung nạp thức ăn, rối loạn vận động của ruột, nhiễm khuẩn và viêm...

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh nhân đến khám và điều trị hội chứng này rất phổ biến, với các triệu chứng thường gặp: đau bụng (94%), trướng bụng (84%), rối loạn thói quen đi cầu (81%). Đây là hội chứng mà thuốc y học cổ truyền chữa về đường ruột có kết quả tốt sau khi bệnh nhân được thầy thuốc giải thích rõ diễn tiến của bệnh.

Hội chứng ruột kích thích, theo y học cổ truyền thuộc phạm vi các chứng: đau vùng bụng, đầy bụng, táo bón xen kẽ tiêu chảy, táo bón. Các triệu chứng thường gặp: lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, bụng đầy trướng ngay sau khi ăn, thường xuyên đau bụng âm ỉ mơ hồ, táo bón hoặc xen kẽ với tiêu chảy, đi tiêu phân nhầy nhớt không thành khuôn...

Đây là một hội chứng thường tái phát làm bệnh nhân rất lo lắng. Việc điều trị bệnh nói chung rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn tối đa của cả thầy thuốc và bệnh nhân.

Về phía người bệnh: tránh những căng thẳng tâm lý không đáng có (suy nghĩ lo bệnh, tự ti mặc cảm...), tránh căng thẳng về thần kinh, thể lực (thức đêm, làm việc quá sức, bất hòa trong gia đình...), tập thể dục, tập dưỡng sinh, ngồi thiền để thư giãn thần kinh.


Việc điều trị làm cải thiện chất lượng cuộc sống dẫn đến dễ chịu hơn gồm các bước: tư vấn tâm lý, chế độ ăn kiêng (nhiều đạm ít mỡ, không kiêng quá mức, tránh các loại thức ăn sống, không nên uống rượu bia và các loại nước giải khát có gas), các loại thuốc...

Về phía thầy thuốc: Người thầy thuốc biết lắng nghe người bệnh, trấn an và giải thích cho bệnh nhân yên tâm kiên nhẫn hợp tác với thầy thuốc, hướng dẫn bệnh nhân về cách tiết chế và lối sống để thích nghi và hạn chế triệu chứng. Người bệnh khi đã được chẩn đoán cần phải theo dõi định kỳ.

Theo TTO