Đề phòng tràn khí màng phổi vào mùa rét

Gửi lúc 11:40' 23/04/2013
Tràn khí màng phổi là hiện tượng không khí lọt vào khoang giữa hai lá màng phổi, có thể gây suy hô hấp và nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Ho nhiều về mùa lạnh là một yếu tố gây bệnh này.

Tiết trời lạnh của mùa đông thường làm xuất hiện các bệnh đường hô hấp gây ho. Các cơn ho mạnh đôi khi gây ra biến chứng tràn khí màng phổi trên những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính. Do vậy, nếu nghi là bị tràn khí thì phải đi khám ngay để được xác định và điều trị kịp thời.

Biểu hiện đặc trưng của tràn khí màng phổi là đau ngực, khó thở và ho khan. Triệu chứng đau ngực xuất hiện đột ngột, có khi đau dữ dội như dao đâm ở một điểm trên lồng ngực. Ngay sau đó, bệnh nhân bị khó thở, tình trạng này ngày càng tăng khiến mặt, môi tím tái. Người bệnh ho khan; càng ho, ngực càng đau.

Các triệu chứng xuất hiện nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tiến triển và mức độ tràn khí. Lồng ngực bên tràn khí phình ra, các khoang liên sườn rộng. Nếu tràn khí ít và khu trú thì triệu chứng rất kín đáo. Có ca vừa tràn khí, vừa tràn dịch màng phổi, bệnh nhân khó thở nhiều. Chụp X-quang thấy phổi tăng sáng, mất các đường vân phổi, nhu mô phổi bị ép lại, có khi còn một núm ở rốn phổi, tim bị đẩy sang bên phổi lành.

Các nguyên nhân gây tràn khí màng phổi:


Bệnh lao: Nhất là hang lao ở bìa phổi vỡ vào màng phổi. Bệnh nhân thường có sốt, gầy, ho ra máu. Một cơn ho dữ có thể gây tràn khí màng phổi. Thử đờm có vi khuẩn lao.

Áp-xe phổi vỡ vào màng phổi:
Gây tràn mủ và khí. Thường trước đó có sốt cao, ho ra đờm thối, đau ngực, người gầy sút.

Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
Những bệnh nhân này trong tiền sử có cơn hen hoặc ho khạc đờm lâu ngày, khó thở, tím tái, khiến phế nang giãn rất to. Nếu phần giãn ở sát màng phổi thì khi có cơn ho hay gắng sức, phế nang vỡ, không khí sẽ lọt vào màng phổi, gây tràn khí.

Vỡ kén hơi bẩm sinh:
Thường gặp ở người trẻ tuổi, nam nhiều gấp 8-10 lần nữ. Người vẫn khỏe mạnh bình thường, không sốt, không gầy. Tràn khí thường xảy ra sau một gắng sức như thổi kèn, thổi bong bóng, thổi chai lọ thủy tinh, nâng tạ, khiêng vác nặng, ho. Có khi người bệnh thấy tự nhiên xuất hiện khó thở tăng dần, đi khám bệnh mới biết là có tràn khí màng phổi.

Ho gà: Trẻ em bị ho gà sốt 37-39 độ C, ho rũ rượi từng cơn, không kìm hãm được, cuối cơn ho có tiếng thở rít vào như tiếng rít cuối cùng của gà gáy, lúc đầu ho về đêm, sau ho cả đêm lẫn ngày. Các cơn ho thường xuất hiện sau một sự kích thích hoặc ấn vào họng trẻ. Sau tiếng rít là khạc đờm. Nét mặt tím tái, phù mặt, chảy nước mắt, mắt đỏ ngầu. Thường có dịch. Đôi khi sau cơn ho có biến chứng tràn khí màng phổi.

Chấn thương: Vết thương thủng thành ngực hoặc chấn thương ngực làm xương sườn bị gãy, chọc vào màng phổi. Bệnh nhân rất đau và khó thở. Vết thương ngực có chảy máu, có hơi phì phò. Trường hợp gãy xương sườn thì có điểm đau chói khi ấn vào chỗ gãy hoặc khi thở... Cần chụp X-quang phổi để xác định các tổn thương. Tràn khí màng phổi cũng có thể xảy ra sau các thủ thuật như chọc dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi hoặc phổi, đặt catheter tĩnh mạch dưới xương đòn. Thường bệnh nhân khó thở tăng dần, mặt môi tím tái, thở hụt hơi rồi khó thở không chịu được.

Về điều trị, nếu bệnh nhẹ, gây khó thở ít, chụp X-quang thấy lớp khí màng phổi mỏng dưới 1,5 cm thì không phải chọc hút. Bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi, thở ôxy, dùng thuốc chống nhiễm khuẩn, giảm đau, chống sốc, khí sẽ tự tiêu hết dần dần.

Nếu bệnh nặng, phải khẩn trương hút hơi dẫn lưu, thở ôxy, chống sốc. Trường hợp có tràn dịch, phải chọc hút dẫn lưu khí và dịch, làm cho phổi nở ra hết. Trường hợp tràn khí màng phổi tái phát nhiều lần hoặc điều trị dẫn lưu sau một tuần không khỏi thì phải phẫu thuật mở thành ngực tìm tổn thương hoặc nội soi màng phổi, làm dính màng phổi để giải quyết lỗ thủng.

Ngoài ra, phải điều trị nguyên nhân gây tràn khí, chẳng hạn tràn khí do nhiễm khuẩn, do lao thì ngoài việc hút khí phải dùng kháng sinh đặc hiệu và điều trị toàn thân. Trường hợp gãy xương sườn thì phải cố định xương.

TS ĐÀO KỲ HƯNG, Sức Khỏe & Đời Sống